MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ dân số tham gia chống dịch, với vai trò như cán bộ y tế cơ sở. Ảnh: Hương Giang

Cán bộ dân số không được hưởng phụ cấp, nản lòng, muốn bỏ nghề

Thuỳ Linh LDO | 20/06/2023 10:00

Khi Nghị định 05 về phụ cấp cho cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở được ban hành, cán bộ làm công tác dân số không được hưởng phụ cấp đã khiến nhiều người nản lòng, thậm chí muốn rời bỏ ngành.

Cán bộ dân số là đối tượng huy động chống dịch?

Theo TS. Nguyễn Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế, khi ban hành Nghị quyết 38 của Chính phủ lúc đó tình hình đã thay đổi. Dưới áp lực của dịch COVID-19, một số nhân viên y tế, đặc biệt là những nhân viên y tế làm trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở - những đối tượng trực tiếp phải tham gia phòng chống dịch, không phải đối tượng huy động, mà là những người đầu tiên có trách nhiệm phải tham gia.

Nếu không có biện pháp để duy trì những lực lượng này thì một số người sẽ chuyển việc, bỏ việc. Vì vậy, để duy trì và thu hút những người tham gia làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở - lực lượng tuyến đầu, trực tiếp tham gia chống dịch không chỉ hiện tại mà cả tương lai, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận 25, trên cơ sở đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 38, trong đó có đề ra việc nâng mức phụ cấp cho cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở từ 40-70% lên mức 100%.

“Không phải Bộ Y tế không quan tâm đến các cán bộ dân số, cán bộ y tế khác mà đây là trước nhu cầu để duy trì và thu hút những người đang trực tiếp và sẽ tiếp tục là những người đầu tiên trong công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 05. Trong đó quy định chế độ phụ cấp này cũng chỉ thực hiện trong giai đoạn 2 năm là giai đoạn từ 1.1.2022 đến 31.12.2023, khi hết giai đoạn này, lại tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Nghị định 56 và các quy định sửa đổi. Đó là ý nghĩa của Nghị định 05” - ông Sơn khẳng định.

Phân biệt đối xử, thiếu công bằng đối với cán bộ dân số?

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, thực tiễn công tác dân số ở nước ta hơn 60 năm qua chỉ ra bài học kinh nghiệm thành bại của công tác này phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ cơ sở. Bởi đặc điểm của công tác dân số là phải: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

“Trong dịch COVID-19, viên chức dân số cùng viên chức y tế đều lăn xả chống dịch, có người đã hi sinh. Nhiều viên chức dân số đã được giấy khen, Bằng khen của các cấp lãnh đạo, kể cả cấp cao nhất. Nhưng phải nói thẳng, còn có sự phân biệt đối xử giữa viên chức y tế và viên chức dân số. Bằng chứng rõ rệt nhất là phụ cấp nghề của viên chức y tế là 40%; viên chức dân số là 30%.

Đặc biệt, khi thực hiện Nghị định 05 thì phụ cấp nghề của viên chức y tế là 100%; viên chức dân số vẫn là 30%, nghĩa là trải qua đại dịch thì khoảng cách phân biệt càng xa. Việc phân biệt đối xử như vậy liệu có hợp lí?” - GS Cử băn khoăn.

GS Cử cho biết thêm: “Khi Nghị định 05 được ban hành, có thể nói, viên chức dân số cả nước bất bình. Nhiều người nản lòng với công tác dân số, thậm chí muốn rời bỏ ngành. Tôi lo ngại điều này sẽ suy yếu hệ thống tổ chức dân số cơ sở và ảnh hưởng tới công tác dân số - công tác mà các Nghị quyết của Đảng đều đánh giá có vai trò quan trọng và vị trí rất cao”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn