MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ phận một cửa tại các phường của TPHCM phải phân bổ cán bộ ở bộ phận khác đến kiêm nhiệm. Ảnh: Phương Ngân

Cán bộ phường nghỉ việc hàng loạt: Thu nhập thấp, quy định tạo thêm áp lực

Phương Ngân LDO | 01/07/2022 07:03

Nhiều quy định thay đổi nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ đối với người dân, tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế những quy định đó đã tạo nên áp lực đối với bộ phận cán bộ tại cơ sở.

Một người kiêm nhiều việc

Trước khi Nghị định 34/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được ban hành, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, cán bộ tại UBND phường Linh Trung, TP.Thủ Đức chỉ phụ trách mảng Lao động - Thương binh (trong đó có nhiều mảng nhỏ), sau khi Nghị định 34 có hiệu lực, số cán bộ bị giảm xuống, chị Hằng phải kiêm thêm mảng xóa đói giảm nghèo. 

Theo ghi nhận của Báo Lao Động, hơn 8h sáng hàng chục người ngồi đợi nhận tiền hỗ trợ trước phòng của bộ phận Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND phường Linh Trung. Người dân vào ra liên tục nhưng chỉ có duy nhất một cán bộ phụ trách.

Chị Hằng chia sẻ, khi làm một công việc vốn đã nhiều, từ khi phụ trách thêm mảng xóa đói giảm nghèo công việc của chị lại tăng gấp bội. Nhiều hôm chị làm cả thứ 7, chủ nhật, buổi tối chị thường mang việc về nhà. "Trong mùa dịch, mình bị áp lực từ nhiều phía, phải làm việc theo công văn, báo cáo phải nhanh, liền và chính xác. Sau mùa dịch thì khối lượng công việc cũng quá tải vì phải làm một lúc 2 - 3 công việc, rất áp lực. Nhưng mình còn may mắn hơn các đồng nghiệp khác vì được gia đình hiểu và hỗ trợ để mình có thời gian thực hiện nhiệm vụ" - Chị Hằng xúc động nói.

Cách phòng chị Hằng vài bước chân là bộ phận một cửa - nơi cán bộ tiếp nhận và trả hồ sơ. Theo quan sát, cán bộ, công chức làm việc không ngơi tay để trả hồ sơ nhanh nhất có thể cho người dân.

Theo chị Võ Thị Bích Hạnh, Tổ trưởng Tổ Văn phòng của UBND phường Linh Trung, khi thực hiện Nghị định 34, cán bộ công chức và cán bộ không chuyên trách phải chịu áp lực rất nhiều đối với công việc được giao. Một số nhiệm vụ thực hiện tại UBND phường hiện nay theo quy định hiện hành lại không có chức danh, ví dụ tổ tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính; cán bộ phụ trách tệ nạn xã hội không có nên những người được phân công vào các vị trí đó phải kiêm nhiệm, khối lượng công việc rất nhiều và gây khó khăn cho cán bộ, công chức.

Nên lấy chỉ tiêu dân số để phân bổ cán bộ

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Quốc Hưng - Chủ tịch UBND phường Linh Trung - cho biết, đặc thù TP.Thủ Đức, TPHCM là TP đô thị nên phải khác hơn so với những địa phương khác, khi bổ sung nhân sự để phục vụ công việc cần tính theo mật độ dân số. “Nên lấy tiêu chí dân số để phục vụ, vì mình lấy dân làm gốc, phục vụ dân là cái chính. Nếu chúng ta cào bằng thì rất khó, phường 15.000 dân với một phường 100.000 dân mà nhân sự gần ngang nhau là rất khó cho những phường đông dân” - ông Hưng nói.

Ông Hưng chia sẻ, phường Linh Trung có khu chế xuất và đại học quốc gia nên số lượng dân cư đông, gần 70.000 dân, công việc rất nhiều. Riêng bộ phận văn phòng của phường đang quá tải vì có bộ phận tiếp nhận hồ sơ nhưng thực chất không bố trí cán bộ cho bộ phận này mà các cán bộ ở bộ phận khác phải kiêm nhiệm. Nếu làm được cải cách hành chính, tất cả các ngành ở các cơ quan khác đều không yêu cầu photo sao y sẽ giảm tải bớt công việc cho bộ phận sao y chứng thực của các phường. TP nên làm mạnh vấn đề này, tất cả các lĩnh vực ở các cơ quan khác, đặc biệt là lĩnh vực đất đai không nhất thiết phải photo sao y mà cơ quan tiếp nhận chỉ cần so sánh với bản chính. Tương tự, hồ sơ xin việc không cần phải xác nhận chữ ký vì hiện đã có dữ liệu dân cư quốc gia, nếu người dân cần chỉ cần liên hệ phường in ra rồi qua công an ký tên là đã có bộ lý lịch hoàn chỉnh.

Ông Hưng đề xuất, cần sớm phân cấp, phân quyền, việc nào cần giải quyết nhanh cho dân thì phải mạnh dạn phân cấp cho TPHCM, TPHCM sẽ phân cho TP.Thủ Đức sau đó TP.Thủ Đức phân cho phường/xã một số thẩm quyền để giải quyết hồ sơ cho dân.

Bên cạnh đó, cần thay đổi chính sách của cán bộ không chuyên trách. Vì cán bộ không chuyên trách làm rất nhiều mảng, làm việc như một cán bộ công chức nhưng chỉ được hưởng hệ số lương 1.14 (thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng kể cả các phụ cấp khác) và không được tăng lương theo niên hạn. Trong khi đó, cán bộ công chức mới vào đã được hưởng hệ số lương 2.34. "Đối với TPHCM nên có chính sách tốt hơn đối với cán bộ không chuyên trách về lương, BHXH về các chế độ bằng cấp” - ông Hưng nói.

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn