MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội sẽ gắn mã QR trên các tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hòa

Cận cảnh các tuyến phố sẽ được gắn mã QR ở Hoàn Kiếm, Hà Nội

PHẠM ĐÔNG - CÔNG HÒA LDO | 14/08/2024 10:00

Hà Nội - Biển tên đường, phố tại quận Hoàn Kiếm vừa được đề xuất gắn QR Code chứa thông tin tên đường, tiểu sử danh nhân nhằm quảng bá lịch sử.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây đã đề xuất thành phố cho phép gắn mã QR trên các tuyến đường thuộc quận Hoàn Kiếm ở 139 cột (trong đó, có 69 cột trên 15 tuyến phố thuộc khu vực phố cổ - trong không gian đi bộ; 70 cột trên 16 tuyến phố thuộc khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận).

Các mã QR được tích hợp cơ sở dữ liệu về tên đường, tiểu sử các danh nhân văn hóa được đặt tên đường, các địa danh trên địa bàn, hiển thị vị trí địa lý, lý trình, chiều dài.

Nhiều tuyến phố ở khu vực phố cổ Hà Nội sẽ được gắn mã QR. Ảnh: Công Hòa

Theo tìm hiểu của Lao Động, 15 tuyến phố thuộc khu vực phố cổ như Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Đồng Xuân, Cửa Đông và 16 tuyến phố thuộc khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ...

Theo yêu cầu của UBND thành phố, việc sắp xếp, tích hợp các biển báo giao thông phải bảo đảm cho người tham gia giao thông dễ nhận biết, không gây nhầm lẫn và bảo đảm mỹ quan đô thị.

Hà Nội dự kiến thí điểm sắp xếp, chỉnh trang hệ thống biển báo giao thông, biển tên phố, gắn mã QR. Ảnh: Công Hòa

Trước thông tin này, nhiều người dân tỏ ra thích thú với đề xuất gắn mã QR chứa thông tin liên quan đến con đường lên biển tên.

Việc gắn mã QR trên các tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm được kỳ vọng mang đến trải nghiệm tốt hơn, cung cấp thông tin cho du khách trong và ngoài nước về tên đường, tuyến phố thuộc địa bàn quận.

Dự kiến gắn mã QR trên các tuyến đường thuộc quận Hoàn Kiếm ở 139 cột. Ảnh: Công Hòa

Là giáo viên về hưu, ông Phạm Văn Toàn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, việc tích hợp thông tin nhân vật, lịch sử của con đường như Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng... là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực trong việc giáo dục các giá trị văn hóa, lịch sử Hà Nội.

Theo ông Toàn, đề xuất này có tính hiệu quả trong giáo dục rất cao, lại ít tốn kém. Phần lớn học sinh đều có điện thoại thông minh, lứa tuổi thích khám phá, tò mò cái mới, học lịch sử thông qua tiện ích này sẽ hiệu quả hơn là ngồi đọc sách.

“Đây là một phương pháp học lịch sử sáng tạo, tạo nên sự hứng thú cho học sinh và sinh viên. Các bài học và giá trị lịch sử được tích hợp qua việc quét mã QR sẽ giúp học sinh dễ dàng cập nhật và mở rộng kiến thức lịch sử của mình”, ông Toàn chia sẻ.

Anh Chu Minh Hiển (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, các con phố thuộc phố cổ Hà Nội như Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Lược... hằng ngày có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nếu có thể sớm triển khai thì điều này giúp người dân, du khách nắm được lịch sử của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên phải làm sao để việc gắn mã QR có tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương ở Thủ đô.

“Không chỉ là thông tin về tiểu sử nhân vật được đặt tên đường, cũng nên bổ sung thông tin về các di tích, địa điểm nổi tiếng nằm trên từng con đường vào mã QR góp phần quảng bá du lịch địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là khách du lịch khi đến với Hà Nội”, anh Hiển cho biết thêm.

Chú thích tại một vài tuyến phố đang được sử dụng tại Hà Nội. Ảnh: Công Hòa

Năm 2012, Hà Nội đã tiến hành biến các biển tên đường phố thành phương tiện chuyển tải lịch sử như phố Lê Lai, Ngô Quyền, Lý Quốc Sư,... Hàng chục tuyến phố thay vì chỉ có biển tên thông thường đã được thêm những dòng chú thích cụ thể.

Những thông tin về nhân vật, địa danh được chú giải một cách ngắn gọn giúp người dân hiểu thêm về nhân vật, địa danh lịch sử, ý nghĩa của việc đặt tên đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn