MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quế đã trở thành thương hiệu của vùng đất Văn Yên

Cận cảnh giống cây trăm tỉ giúp bà con Yên Bái có Tết ấm giữa dịch COVID-19

Bài, ảnh: Văn Đức LDO | 07/02/2021 11:22
Đến huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đi đâu cũng gặp quế - Trước đây là cây xóa đói giảm nghèo giờ trở thành cây làm giàu cho bà con nông dân.

Tại Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cây quế được xác định là là cây chủ lực để giúp bà con làm giàu nhờ có giá trị kinh tế cao hơn các loại cây lâm nghiệp khác.

Quế là một trong "tứ bảo đông y" và là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn.

Cây quế được phân bổ khắp các vùng trong cả nước, trong đó có bốn vùng trồng quế tập trung là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa - Nghệ An và Quảng Nam - Quảng Ngãi.

Cây quế được trồng khắp nơi trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Với khí hậu và đất đai phù hợp nên diện tích trồng quế trên địa bàn huyện hiện có gần 50.000 ha. Diện tích quế trồng mới và trồng vào diện tích đã khai thác từ 1.800 ha đến 2.000 ha/năm.

Mỗi năm sản lượng quế tại đây xuất ra thị trường trong nước và quốc tế khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô; sản lượng cành lá quế khoảng 63.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu khoảng 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế gần 51.000 m3/năm và nhiều mặt hàng khác.

Đến nay cây quế được trồng ở toàn bộ 27 xã, thị trấn của huyện Văn Yên và đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã trong vùng.

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3, tháng 8, nông dân trồng quế trên địa bàn huyện lại tất bật vào mùa thu hoạch để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; cơ sở sản xuất đồ gỗ, tinh dầu...

Từ vỏ, gỗ, lá đến gốc rễ quế đều cógiá trị kinh tế cao, nên được người dân tận dụng triệt để.

Hạt quế cũng được bán với giá thị trường khoảng 500.000 đồng/kg.

Ông Hà Đức Anh, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho hay: Năm nay kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, quế Văn Yên vẫn đảm bảo ổn định, mang lại đời sống ấm no cho bà con nhân dân trong vùng.

Nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm trên 700 tỉ đồng. Quế từ cây xóa đói giảm nghèo trở thành cây làm giàu trên địa bàn huyện.

Thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu/ năm, góp phần lớn vào ngân sách huyện giúp huyện Văn Yên hoàn thành các nhiệm vụ Chính trị, kinh tế.

Anh Nguyễn Huy Tiến, Công ty quế Tiến Hồng, ở TT Mậu A, huyện Văn Yên, chia sẻ: "Do nhu cầu thị trường lớn nên giá quế năm nay cao hơn năm ngoái.

Huyện Văn Yên đã tổ chức thành công 2 Lễ hội quế nhằm quảng bá hình ảnh quế Văn Yên đến bạn bè trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp cũng tìm kiếm các đầu ra cho sản phẩm quế đến các thị trường trong và ngoài nước để đổi phó với đại dịch nhưng do ảnh hưởng của đại dịch nên hàng xuất đi có chậm hơn mọi năm.

Tuy nhiên, để so sánh với nhiều mặt hàng khác thì quế năm nay vẫn giữ ở mức ổn định, các doanh nghiệp quế và người dân đều có thêm thu nhập cao hơn năm ngoái.

Hy vọng sang năm mới, dịch COVID-19 sẽ được dập tắt để người dân yên ổn làm ăn, doanh nghiệp sản xuất có nhiều hướng xuất khẩu hơn".

Từ 1.8.2020 quế Văn Yên là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi EVFTA.

Một số hình ảnh PV Báo Lao Động ghi nhận tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái:

Đóng bầu quế để chuẩn bị ươm.
Những cây quế non trong vườn được chăm sóc rất chu đáo.
Quế được trồng khắp mọi nơi trên địa bàn huyện.
Cứ vào vụ 3 - vụ 8 thì người dân bắt đầu thu hoạch quế, quế nhỏ thì được chặt tỉa, quế đến tuổi trưởng thành được chặt bóc vỏ.
Quế tận dụng được mọi chi tiết từ quả, lá, cành, vỏ, thân, rễ.
Sau khi thu hoạch quế sẽ được bán tươi hoặc phơi khô rồi bán cho các doanh nghiệp.
Tại đây, các doanh nghiệp chế biến thành phẩm xong đó xuất khẩu.
Các doanh nghiệp quế tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống COVID-19 của địa phương.
Các mặt hàng từ quế đều rất đa dạng và được xuất khẩu chủ yếu sang các nước như Nga, Ấn Độ, Đức, Trung Quốc...
Sau khi đã đạt thành phẩm, quế được sàng lọc kỹ càng đóng thùng hộp để xuất khẩu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn