MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đá vỉa hè vỡ nát, xuống cấp. Ảnh: Kim Anh

Cận cảnh những "ổ voi, ổ gà" trên vỉa hè được lát đá có độ bền 70 năm

Kim Anh - Đức Đông LDO | 18/11/2020 16:43

Vỉa hè được lát đá tự nhiên – sản phẩm có độ bền đến 70 năm, nhưng chỉ sau 2-3 năm đưa vào sử dụng những lớp gạch đá đã xuất hiện bong tróc, nứt, vỡ.

Cuối năm 2016, Thành phố Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Sau hơn 4 năm triển khai, nhiều tuyến đường tại 12 quận nội thành đã thay đổi diện mạo rõ nét. Tuy nhiên, dù được giới thiệu có độ bền lên tới 70 năm nhưng chỉ sau 1-2 năm đưa vào sử dụng nhiều đoạn vỉa hè lát đá tự nhiên ở các tuyến phố có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.

Ghi nhận của Lao Động ngày 18.11, tại một số tuyến đường như Trung Kính, Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy); Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa); Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân),… nhiều đoạn vỉa hè lát đá đã xuống cấp. Nhiều nơi nhan nhản vết nứt vỡ, bong tróc, một số nơi các viên đá bung ra khiến vỉa hè lồi lõm, lởm chởm gây mất mỹ quan đô thị.

Vỉa hè đoạn đường Trung Kính (Cầu Giấy) đá lát đã xuất hiện vỡ, nứt. Ảnh: V.Đức

Cụ thể, trên 2 tuyến đường Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh, hai bên vỉa hè đa phần đều bị sụt lún, xô lệch, nhiều đoạn gạch bung ra, trơ cả phần đất.

Tại khu vực trước cổng Cục Tần số vô tuyến điện, xuất hiện nhiều hố như “ổ gà, ổ voi”. Có đoạn dây cáp ngầm "lộ thiên" còn lộ lên cùng hàng gạch vỡ, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Vỉa hè Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) giống công trình đang thi công hơn là vỉa hè đang được sử dụng. Ảnh: K.Anh

Tại nhiều điểm khác trên đoạn Nguyễn Chí Thanh, hàng chục viên đá lát trên vỉa hè bị vỡ, gãy thành nhiều mảnh, gây cản trở và khó khăn cho người đi bộ.

Các viên đá lát vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh đã nứt nẻ, gập ghềnh sau thời gian ngắn sử dụng. Ảnh: Kim Anh

Bạn Lê Thục Anh, sinh viên năm 3 trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, đoạn vỉa hè đi bộ đến trường nhiều đoạn đã bị nứt, vỡ, bong tróc, thậm chí nhiều chỗ còn rất gập ghềnh.

“Em thường đi bộ từ nhà trọ đến trường học nên thường hay đi qua đoạn vỉa hè đoạn Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên, vỉa hè chỉ được một thời gian sau khi lát mới. Sau thời gian ngắn nhiều viên đá đã vỡ nứt ra, ngày mưa xuống thì nước đọng lại, đi lại rất bẩn”, Thục Anh chia sẻ.

Các bạn sinh viên vội vã di chuyển quan đoạn vỉa hè bị bong tróc. Ảnh: K.Anh

Là người thường xuyên đi lại trên vỉa hè đường Trần Duy Hưng để bắt tuyến xe buýt, bà Đào Lan Phương (Liễu Giai, Ba Đình, TP Hà Nội) cũng khá bức xúc về vấn đề vỉa hè bong tróc sau thời gian ngắn sử dựng.

Bà Phương cho biết: "Tôi thường hay đi bộ ra bắt xe ở đoạn đường này, tuy nhiên phần vỉa hè dành cho người đi bộ rất nhiều đoạn bị lồi lõm. Ngay cả đoạn Liễu Giai khu nhà tôi ở dù đoạn đường mới làm, nhưng cũng bị vỡ ra. Nhiều khi đi đường, một số đoạn mấp mô lên xuống, vô cùng khó chịu".

Vỉa hè tại đoạn đường Trung Kính (Cầu Giấy). Ảnh: Kim Anh

Tương tự, tại đường Nguyễn Trãi, vỉa hè mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III/2017 nhưng sau 3 năm đã xuất hiện nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún… tạo nên cảnh nhếch nhác, thiếu mỹ quan đô thị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn