MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu một số ý kiến về phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Cần có những nghiên cứu từ thực tiễn Việt Nam về biến thể virus SARS-CoV-2

Phạm Đông - Hải Nguyễn LDO | 15/09/2021 19:09

Cho ý kiến về phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam cho rằng bên cạnh sự tham khảo các nghiên cứu của quốc tế, nước ta cần có những nghiên cứu khoa học từ thực tiễn Việt Nam về các biến thể virus SARS-CoV-2.

Có cơ chế cho nhà khoa học, trí thức được cống hiến

Chiều 15.9, tại Hội nghị toàn quốc đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh điểm lại những đóng góp của đội ngũ trí thức thành phố trong thời gian qua và vai trò trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Phước, đội ngũ trí thức đã cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng bộ và chính quyền hoạch định các đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của TPHCM; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển văn hóa TPHCM tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện các đề án phát triển kinh tế-xã hội.

GS.TS. Nguyễn Văn Phước nhìn nhận, đội ngũ trí thức TPHCM đã không ngừng tiến bộ, trở thành lực lượng hùng mạnh góp phần đắc lực trong sự nghiệp phát triển của thành phố. Tuy nhiên trong thời gian tới, đội ngũ trí thức vẫn cần phát huy hơn nữa năng lực đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Toàn cảnh hội nghị.

Tiếp đó, bà Nguyễn Thu Giang - Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng cho rằng, trong và sau đại dịch, vấn đề an sinh xã hội là thách thức lớn.

Theo bà Giang, sẽ không chỉ là chính sách, gói an sinh, hay đồng bào giúp nhau, mà còn là việc làm, đào tạo nghề 4.0 sau đại dịch COVID-19 trong thời kỳ vừa hội nhập. Tiếp theo, vấn đề sức khoẻ, tâm thần và an thần; đầu tư y tế như thế nào, rồi hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực toàn cầu đối với Việt Nam là những thách thức cần được coi trọng.

Bà Nguyễn Thu Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có cơ chế tập hợp được đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, công và tư góp phần vào phát triển xã hội; tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học công nghệ, cụ thể là VUSTA là cầu nối góp sức cùng Chính phủ và người dân phát triển xã hội; hệ thống tư nhân, phi lợi nhuận được phát huy hết năng lực.

Theo bà Giang, một vấn đề cũng rất quan trọng là Đảng và Nhà nước nên quy tụ cá nhân các nhà khoa học, tri thức cống hiến hết sức mình cho đất nước; có cơ chế được cống hiến để họ dám nghĩ và biết làm.

Ứng dụng công nghệ vào chống dịch

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam nêu tham luận về "Một số ý kiến để chống dịch COVID-19 hiện nay". Ông cho rằng, chống dịch COVID-19 trước hết cần phải dựa vào khoa học, công nghệ và chuyên môn y khoa. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhất là các nhà khoa học y khoa cần tham gia vào cuộc chống dịch mạnh hơn, rõ nét và hữu hiệu hơn.

Ông Trí đề xuất cần có thêm những cuộc thảo luận khoa học về các vấn đề như các loại vaccine, trộn vaccine, xét nghiệm kháng thể tự nhiễm và chủ động do được tiêm vaccine, gộp mẫu để làm test nhanh, cách lấy bệnh phẩm chuẩn... Hoặc các vấn đề về công nghệ trong quản lý người nhiễm, người tiêm vaccine.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với ông Nguyễn Anh Trí.

Bên cạnh sự tham khảo các nghiên cứu của quốc tế, nước ta cần có những nghiên cứu khoa học từ thực tiễn Việt Nam về các biến thể virus SARS-CoV-2, về đặc điểm diễn biến dịch bệnh, về kháng nguyên, về kháng thể, về vaccine, về thuốc điều trị tây y và đông y... ở nước ta.

Dựa trên những căn cứ khoa học đó, để các nhà khoa học đề xuất cho đúng và kịp thời những biện pháp chống dịch cụ thể cho Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 quốc gia và các địa phương để triển khai trên thực tế.

Ông Trí đề xuất cần ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ vào chống dịch. Đây là một nội dung rất quan trọng, cần mời các chuyên gia giỏi tư vấn để triển khai công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động: quản lý dịch, xét nghiệm, tiêm chủng vaccine, hỗ trợ an sinh xã hội...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn