MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cty Thuốc lá Thăng Long là doanh nghiệp đã lập kế hoạch chuẩn bị di dời. Ảnh: PV

Cần cưỡng chế để phát triển công trình công cộng

Q.Hiệu LDO | 30/09/2019 13:41
UBND TP.Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, nhưng đến nay, số cơ sở di dời mới chỉ... đếm đầu ngón tay. Hậu quả là ô nhiễm, ùn tắc giao thông xảy ra triền miên...

Có lộ trình nhưng không di dời

Việc đề xuất di dời các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở cơ gây ô nhiễm ra khỏi nội đô đã được kiến nghị từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có mấy đơn vị chịu trả lại đất vàng cho thành phố. Điển hình, một số trường hợp như Nhà máy Dệt kim Đông Xuân ở đường Minh Khai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), Nhà máy Sản xuất thuốc lá Thăng Long (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), Cty CP Thương mại Bia Hà Nội (Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình),…

Được biết, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, UBND TP. Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, nhưng đến nay, số cơ sở di dời mới chỉ đếm đầu ngón tay.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thành phố cần có một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất. Ngoài ra, thành phố cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất và nhận sự hỗ trợ dịch chuyển.

Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng, hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất cho thành phố quản lý và sử dụng.

Cần cưỡng chế bắt buộc di dời

Theo nhiều chuyên gia, song song với các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện di dời, Hà Nội cần có chế tài, quy định bắt buộc việc bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời ra ngoài khu vực nội thành để thành phố ưu tiên xây dựng, phát triển công trình công cộng.

Về di dời các trụ sở bộ ngành, thành phố đã bố trí quỹ đất tập trung tại khu vực Tây Hồ khoảng 20ha và Mễ Trì khoảng 55ha. Ngoài ra, thành phố bố trí quỹ đất phục vụ di dời 9 cơ quan, trong đó 7 cơ sở tiếp tục giữ lại làm trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý và 2 cơ sở được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tạo nguồn di dời và xây trụ sở mới (Trụ sở Thanh tra Chính phủ 220 Đội Cấn và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao 45 Lý Thường Kiệt).

Về di dời các cơ sở công nghiệp, 67 cơ sở công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích 102,07ha, trong đó 39,33ha cho nhà ở, còn lại cho trường học và hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ.

Ngoài ra, 27 cơ sở công nghiệp phải di dời cũng đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6ha.

Theo báo cáo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Sau khi trao đổi, đối thoại, về cơ bản các doanh nghiệp thống nhất chủ trương di dời của thành phố, một số doanh nghiệp đã lập kế hoạch chuẩn bị di dời (Cty Thuốc lá Thăng Long, Cty cổ phần In và Thương mại Thống Nhất…).

Tuy nhiên, UBND Thành phố thừa nhận, việc di dời vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Nguyên nhân là do đến nay, danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi nội thành chưa được các bộ ngành triển khai, trình Thủ tướng phê duyệt.

Đáng chú ý, còn có tình trạng, quỹ đất sau di dời được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại (trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ), không bàn giao quỹ đất sau di dời cho thành phố để quản lý, khai thác sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho địa phương.

Trước tình trạng này,  UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn