MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai. Ảnh: Quốc hội

Cần đánh giá tác động khi mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Cường Ngô - Trần Vương LDO | 23/11/2023 11:23

Đồng ý mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tuy nhiên, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh khi mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Sáng 23.11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Vấn đề mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng 5 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; điều này thể hiện định hướng từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần đánh giá tác động đến các chi phí phát sinh, đồng thời cần có chế tài xử phạt nghiêm minh để tránh tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu phân tích, việc bổ sung các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thể hiện sự định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động.

Do đó, cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích chi phí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các nhóm đối tượng này, tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực.

Đại biểu cho rằng, theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong sách trong dự án luật, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố, chưa kể ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể.

"Thực tiễn vừa qua cho thấy, tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng dễ quản lý, dễ xử lý... vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo luật cần phải có chế tài quy định kiểm soát và xử lý, phạt nghiêm minh, để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định", bà Đoàn Thị Thanh Mai nói.

Cần siết nhiều quy định

Cùng nhận định về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cũng đề nghị, cần làm rõ cơ sở quy định mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bởi việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định trong dự thảo luật khá bao trùm, phạm vi rất rộng.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Tô Văn Tám cũng cho rằng, cần có những chế tài để đảm bảo tính khả thi về quy định này. Vì thực tế đối tượng lao động này rất rộng, họ làm tất cả các việc và thường xuyên di chuyển trong khi hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu về lao động, cho nên không thể nắm hết được đối tượng lao động này. Do đó, cần có chế tài để đảm bảo tính khả thi cho đối tượng này.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) đồng ý quan điểm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Song, bà đề nghị, cần quy định chặt chẽ hơn về nhóm đối tượng này khi đưa vào đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để có thể bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.

"Bởi quy định này rất khó triển khai thực hiện và không thể áp dụng một cách triệt để, hiệu quả. Vì thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp lao động đặc thù mà không có giao kết hợp đồng lao động, không xác định được tiền lương, tiền công ổn định hàng tháng để làm cơ sở cho việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay bảo hiểm xã hội tự nguyện", đại biểu Uyên nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn