MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lượng khách sử dụng xe buýt ở TPHCM ngày càng sụt giảm. Ảnh chụp ngày 25.11. Ảnh: Chân Phúc

Cần đầu tư bài bản, thay đổi từ tư duy đến cơ chế chính sách

MINH QUÂN LDO | 28/11/2020 12:37

Để giải bài toán ùn tắc giao thông của TPHCM, không có cách nào khác ngoài việc tập trung đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) mà cụ thể là hệ thống xe buýt. Thời gian qua, mỗi năm TPHCM chi hơn 1.000 tỉ đồng trợ giá xe buýt nhưng lượng khách đi vẫn giảm. Người dân chưa “mặn mà” với xe buýt chủ yếu do chất lượng dịch vụ và sự bất tiện. Theo nhiều ý kiến, muốn lôi kéo được người dân sử dụng xe buýt, TPHCM cần đầu tư nghiêm túc, bài bản, thay đổi từ tư duy đến cơ chế chính sách và bằng những hành động cụ thể.

Không đáp ứng được nhu cầu người dân

Hiện, TPHCM có 127 tuyến xe buýt hoạt động, trong đó có 90 tuyến có trợ giá, 37 tuyến không trợ giá. Mỗi năm thành phố chi hơn 1.000 tỉ đồng trợ giá xe buýt nhưng lượng khách đi vẫn giảm. Năm 2019, lượng khách đi xe buýt đạt khoảng 255 triệu lượt, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt của năm 2018. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự kiến khách đi xe buýt chỉ còn khoảng 150 triệu lượt.

Nguyên nhân khiến xe buýt hoạt động chưa hiệu quả được cho là thiếu cơ sở hạ tầng, việc bố trí các tuyến chưa hợp lý để kết nối thu hút người dân sử dụng. TPHCM hiện có khoảng 70% tuyến đường bề rộng dưới 5m, dẫn đến khó tổ chức cho người dân tiếp cận trạm xe buýt có bán kính nhỏ. Về thời gian, có những tuyến xe buýt có thời gian lưu thông mất cả một tiếng, không thể đáp ứng nhu cầu đi nhanh cho người dân.

Trong khi đó, sự phát triển của xe ứng dụng công nghệ cạnh tranh trực tiếp với xe buýt nhờ sự tiện lợi, cơ động và chi phí gần bằng đi xe buýt. Nếu năm 2016, hành khách đi xe công nghệ chỉ có 20,8 triệu lượt thì đến năm 2020 tăng lên hơn 200 triệu lượt, tác động không nhỏ đến thói quen đi lại của người dân.

Theo các chuyên gia, tại các đô thị lớn trên thế giới tương đồng với TPHCM về quy mô dân số và diện tích, metro, BRT vẫn là phương tiện chủ đạo, đóng vai trò xương sống trong các loại hình giao thông công cộng. Xe buýt truyền thống sẽ đóng vai trò kết nối và gắn kết mạng lưới giao thông chủ đạo. Tại TPHCM, tuyến metro số 1 và số 2 còn chậm tiến độ, chưa đi vào hoạt động khiến các tuyến xe buýt chưa thể hiện được vai trò kết nối.

Ngoài những lý do khách quan trên, việc áp dụng phương thức quản lý, điều hành thủ công cũng là sự cản trở đối với loại hình vận tải này.

Vực dậy xe buýt

Mới đây, UBND TPHCM đã phê đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM”. Ngành giao thông thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sẽ đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị của toàn thành phố, tiến đến mốc 25% vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết, ngoài đầu tư, mở rộng mạng lưới VTHKCC, thành phố sẽ tổ chức, phân luồng hợp lý hơn như tăng thêm mật độ tiếp cận xe buýt cho người dân, đồng thời cải thiện hơn nữa chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ.

Theo ông Lâm, thành phố sẽ tuyên truyền cho người dân thấy rằng, tham gia giao thông cộng có nhiều ưu điểm, lợi thế như an toàn, tiện nghi, tiết kiệm chi phí so với sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân. “Chúng tôi đang xây dựng hệ thống thẻ vé thông minh cho hệ thống xe buýt, sau này tiếp tục kết nối với các tuyến metro, xe buýt nhanh. Từ đó sẽ có các chính sách giá vé theo ngày, theo mạng lưới, theo tuyến, tháng, quý, vé cho cuối tuần và ngày thường… Người tham gia VTHKCC càng nhiều thì càng được lợi về chi phí” - ông Lâm nói.

Ông Trần Quang Lâm cũng nhìn nhận, xe buýt phải giúp tiết kiệm, giảm được thời gian tối đa cho người dân. Do đó, Sở GTVT sẽ có các chính sách như tổ chức giao thông ưu tiên cho xe buýt, có những đoạn đường, làn đường ưu tiên và có những thời điểm ưu tiên. Chẳng hạn, tới đây, đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt sẽ dành riêng một làn cho xe buýt, các phương tiện khác sẽ không chạy trong làn này.

TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt - Đức - xe buýt phải được tái cấu trúc để trở thành mạng lưới hoàn chỉnh, có tính liên thông, kết nối luồng tuyến, có những trạm trung chuyển thuận tiện, bến bãi an toàn, tiện lợi. Đồng thời cần cải thiện tỉ lệ đúng giờ cho xe buýt bằng cách bố trí làn ưu tiên ở những tuyến đường đủ rộng, bố trí tín hiệu ưu tiên cho xe buýt. Đặc biệt, TPHCM cần thay đổi tư duy thông qua thay đổi cơ chế hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VTHKCC. Theo đó, nhà nước sẽ là đơn vị mua dịch vụ từ doanh nghiệp và bán lại cho người dân.

TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn giao thông và đô thị TPHCM - để vực dậy xe buýt, TPHCM nên lập đề án chi tiết phát triển mạnh xe buýt và các phương tiện vận tải hành khách công suất nhỏ, đồng bộ với việc phát triển hạ tầng phù hợp. Đặc biệt, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống các nhà ga...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn