MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các xe rác tại nội đô cũng đã đầy, không còn chỗ chứa, rơi vãi khắp lề đường. Ảnh: Phạm Đông

Cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải

Phạm Đông - Hoa Lê LDO | 26/12/2019 12:00

Sau khi một số người dân chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, nhiều quận trên địa bàn thành phố Hà Nội đã rơi vào tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt. Để tình trạng này không kéo dài và tái diễn, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải.

3 ngày bãi rác Nam Sơn bị chặn, nhiều nơi ngập ngụa rác

Ngày 25.12, theo ghi nhận của Lao Động, vẫn còn đông người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) tập trung chặn xe rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn. Lý do người dân đưa ra cho hành động này là do thành phố chậm trễ trong việc di dời người dân trong bán kính 500m xung quanh bãi rác.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Đồng (thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn) cho biết, ngày 24.12 đã có hơn chục hộ dân đến nhà văn hóa thôn nhận tiền đền bù giải phóng đất ruộng nhưng vẫn còn nhiều hộ dân chưa nhận được tiền đền bù. Còn về đất liền kề, đất thổ cư thì mới chỉ khoảng 50% hộ dân nhận được tiền, số còn lại chưa nhận được tiền nên người dân mong muốn sớm được giải quyết.

“Huyện ban hành văn bản số 2875/UBND-VP ngày 23.12.2019 về việc cam kết với người dân sẽ áp dụng phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đất ở cho nhân dân theo bảng giá mới thì cần sớm thực hiện. Đã 3 năm qua người dân chúng tôi phải 6 lần chặn xe vào bãi rác nên chúng tôi không muốn kéo dài thêm nữa. Do đây là quyền lợi chính đáng của người dân nên chúng tôi mong các cấp các ngành thấu hiểu và sớm giải quyết” - anh Đồng nói.  

Còn bà Nguyễn Thị Mầu (xã Hồng Kỳ) cho biết, chính quyền địa phương đã hứa với người dân 3 xã (Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Nam Sơn) đến tháng 12.2019 là chi trả xong tiền giải phóng mặt bằng cho những hộ dân xung quanh khu vực ảnh hưởng. Tiền đền bù ruộng người dân vẫn chưa nhận được hết tiền nên mới có nhiều bức xúc như vậy. Bây giờ người dân chỉ muốn giải tỏa cho nhanh vì mùi từ bãi rác bốc ra khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả ngày lẫn đêm.

Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Sóc Sơn - thông tin: “không phải các cấp, các ngành của huyện Sóc Sơn không hiểu, không chia sẻ nỗi khổ của người dân. Tuy nhiên, trong việc này thì chúng tôi cũng không thể quyết được, vấn đề này do UBND thành phố quyết định và chỉ đạo”.

Cần sớm giải quyết triệt để, hoàn tất đền bù

Trao đổi với Lao Động, ông Triệu Tuấn Đức - Giám đốc Chi nhánh Nam Sơn (URENCO8) - cho biết, tổng diện tích Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là 83,4ha, nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đây được xem là bãi tập kết rác lớn nhất Hà Nội, với công suất xử lý khoảng 4.900 - 5.000 tấn rác mỗi ngày, chiếm khoảng 80% lượng rác thải của TP.Hà Nội. Tất cả rác thải của các quận và 6 huyện của Hà Nội được chuyển qua bãi rác Nam Sơn.

Do vậy, người dân 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn chặn không cho các xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn sẽ dẫn đến việc “tắc rác” trong nội đô. Bên cạnh nhiều quận huyện nằm trong phương án phân luồng về ô chôn lấp tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn thì nhiều nơi vẫn phải lưu chứa tại các điểm chung chuyển, tập kết tạm thời của địa phương.

Nói về giải pháp làm thế nào để không xảy ra tình trạng người dân chặn xe vào bãi rác, PGS-TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, lẽ ra, Hà Nội cần phải giải quyết sớm việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực đó để tránh bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Mặc dù thành phố đã có yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn và xã phải hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án trước cuối năm 2019. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù đất thổ cư nên họ lại tiếp tục chặn xe rác. “Cứ mỗi lần người dân “phong toả” khu vực này, nội đô lại ngập ngụa trong rác thải tồn ứ. Chỉ vài cái lều, lán dựng lên, xe chở rác không vào được là rác thải nội đô ngổn ngang. Điều đó cho thấy phương án dự phòng, thay thế và quản lý rác thải còn rất nhiều vấn đề. Để giải quyết tình trạng này, trước mắt, Hà Nội đã có kế hoạch điều chỉnh phân luồng vận chuyển rác thải tạm thời đến nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây) của HTX Thành Công”- bà An nói.

Về lâu dài để chấm dứt tình trạng này, bà An cho rằng: UBND huyện Sóc Sơn cần có báo cáo thực tiễn và giải quyết dứt điểm toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng. Vì càng kéo dài vấn đề này thì càng kéo dài những bức xúc trong dân. Điểm mấu chốt, đó là thành phố cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải.  

Ông Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam - cho biết: Việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp vừa tốn diện tích đất, vừa khó kiểm soát vệ sinh môi trường. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tiếp nhận rác lớn nhất của thành phố, theo tính toán cũng sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Việc này đặt ra cho Hà Nội yêu cầu phải sớm có phương án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn