MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc khu vực lòng hồ Krông Pách thượng đang ngập lụt nặng sau khi bão số 12 quét qua địa phương. Ảnh: Bảo Trung

Cần đưa gấp dân vùng trũng đến khu tái định cư

BẢO TRUNG LDO | 13/11/2020 08:18
Bão số 12 qua đi, chính quyền xã, huyện, các chủ đầu tư lẫn bà con sống ở lòng hồ Krông Pách thượng - dự án thủy lợi hàng nghìn tỉ đồng đang chậm tiến độ của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) ở Đắk Lắk - có thể tạm thở phào nhẹ nhõm khi không có thiệt hại nào về người. Ngay bây giờ, chính quyền các cấp ở tỉnh Đắk Lắk cần phải có phương án chủ động ứng phó bão từ xa, tránh lâm vào cảnh thụ động rồi hối hả “cắt quân” đi xử lý khi biến cố xảy ra.

Phải có giải pháp căn cơ

Ngày 10.11, bão số 12 đổ bộ, mực nước hồ Krông Pách thượng đột ngột dâng cao chưa từng có, các khu vực dưới mốc cao trình +480m đều bị ngập trong lũ. Chính quyền huyện M’Đrắk, UBND xã Cư San lẫn các chủ đầu tư hai hợp phần xây lắp và giải phóng mặt bằng (GPMB) di dân, bố trí tái định cư hối hả “cắt quân” về xử lý.

Khoảng 17h30p cùng ngày, ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch HĐND xã Cư San - khẳng định: “Đã có chỗ bố trí cho người dân sơ tán đến Trường tiểu học Bùi Thị Xuân để nghỉ vào ban đêm một khi nước lũ dâng cao”.

Tuy vậy, nhiều người dân trong vùng ngập lụt vẫn không chịu di tản đến trường học bởi khu vực này chẳng cao ráo hơn nhà họ là bao, nước dâng cao chắc chắn sẽ ngập. Thật vậy, khi phóng viên đến trường học kể trên thì nhận thấy khu vực này ẩm thấp, phòng ốc lộn xộn, bừa bãi. Lực lượng chức năng còn phải đem dụng cụ phá khóa để vào bên trong phòng.

Ông Phạm Đăng Đảng - Chủ tịch UBND xã Cư San - bày tỏ, việc di dời dân vùng ngập lụt có những khó khăn và bất cập dẫn đến diễn ra chậm. Địa bàn bị chia cách, cô lập, lực lượng tăng cường vào vùng lòng hồ không thể vượt nước lũ từ thôn này sang thôn kia để hỗ trợ. Một số thời điểm, nước lũ lên nhanh, việc di dời tài sản của dân không kịp, đành phải để bị ngập.

Ngày 12.11, trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Hạ - Giám đốc Ban quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NNPTNT Đắk Lắk (Ban A) - nêu quan điểm, đã gấp rút bàn bạc với các bên liên quan để đưa ra giải pháp căn cơ giúp người dân ứng phó với tình hình mưa bão. Đơn vị sẽ cố gắng để chủ động ứng phó về lâu dài chứ không phải chỉ một vài cơn bão. Ban A đang làm việc với Phòng Tài nguyên Môi trường huyện để đẩy nhanh phê duyệt các phương án trả tiền, bốc thăm, đưa trước dân vùng trũng, thấp ở lòng hồ về khu tái định cư mới. Quan điểm của ban là đưa dân đến nơi tái định cư, ổn định cuộc sống hẳn chứ không đưa đến khu tạm bợ.

Đừng để dân phải chờ đợi quá lâu

Đại diện Bộ NNPTNT thông tin thêm, công tác GPMB vùng lòng hồ đang gặp một số trục trặc do nhiều nguyên nhân từ khách quan cho đến chủ quan. Bộ sẽ cố gắng phối hợp với tỉnh Đắk Lắk từng bước tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh quá trình GPMB để đảm bảo tiến độ dự án thi công theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Trong buổi đi kiểm tra, theo dõi tình hình mưa lũ ở dự án kể trên hôm 11.11, ông Nguyễn Song Lâm - Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình (Bộ NNPTNT) - cho hay, sự chậm trễ trong việc đền bù, GPMB, di dân bố trí tái định cư là một trong những nguyên nhân dẫn đến cảnh ngập lụt ở lòng hồ Krông Pách thượng. Với tình hình ngập lụt như hiện nay, phương án đưa dân đến vùng tái định cư là vẹn toàn nhất.

Vùng lòng hồ sẽ có hơn 600 hộ vào khu tái định cư và đã có vài chục hộ được bố trí nơi ở mới. Để hướng tới cuộc sống phát triển hơn, người dân cần chia sẻ với chính quyền các cấp để đẩy nhanh tiến độ thi công càng sớm càng tốt. Đơn vị đã đề nghị Ban A tỉnh bám sát, chủ trì, phối hợp để trình duyệt nhanh các phương phê duyệt. Ban A phải tiếp tục vận động dân đã đủ điều kiện sớm di chuyển lên vùng tái định cư đã được bố trí.

Từ giữa tháng 8 đến nay, Báo Lao Động liên tục đăng tải thông tin phản ánh những bất cập của dự án thủy lợi nghìn tỉ hồ chứa nước Krông Pách thượng (tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng) của Bộ NNPTNT đầu tư xây dựng ở Đắk Lắk. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng, bồi thường bố trí tái định cư của chủ đầu tư (Ban A) quá thấp có thể khiến dự án bị thu hồi vốn kéo theo nguy cơ tạm dừng thi công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn