MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giám sát Nhà máy nước BOO Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: HUYỀN TRÂN

Cần giám sát chất lượng nước từ đầu nguồn

Minh Quân LDO | 20/10/2019 11:00

94% nguồn nước thô TP.Hồ Chí Minh đang khai thác là từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Tuy nhiên, chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm nặng, đặt TP.Hồ Chí Minh trước nhiều thách thức. Theo TCty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), để đề phòng các sự cố, ngoài việc lấy mẫu nước định kỳ hằng tháng, Sawaco còn trang bị thêm hệ thống giám sát chất lượng nước online từ đầu nguồn đến nước vào nhà máy xử lý và hệ thống đường ống cung cấp cho người dân.

Nước sông Sài Gòn - Đồng Nai ô nhiễm nặng

Theo TCty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện nguồn nước thô được dùng để khai thác cung cấp nước sạch chủ yếu là nguồn nước mặt lấy ở lưu vực hai sông Sài Gòn và Ðồng Nai (chiếm 94%), chỉ một phần nhỏ (6%) khai thác từ nguồn nước ngầm. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Ðồng Nai, nhất là sông Sài Gòn, có xu hướng ngày càng xấu hơn. Các chỉ tiêu như ammonia, hữu cơ, vi sinh, mangan… trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng.

Đáng lo ngại hơn, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho thấy, chất lượng nguồn nước thô trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn có sự hiện diện của ô nhiễm hữu cơ vi lượng. Ô nhiễm hữu cơ là loại ô nhiễm chứa các chất gây bất lợi cho sức khỏe của con người. Nó có nguồn gốc từ sản phẩm phụ của công nghiệp hóa học, chất tẩy rửa, thuốc bảo vệ thực vật...

Theo PGS.TS Bùi Xuân Thành - Trường ĐH Bách Khoa, trong tương lai, diễn biến các nồng độ ô nhiễm hữu cơ vi lượng sẽ ngày một gia tăng, nếu không giải quyết được và kiểm soát hiệu quả xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và ngăn chặn việc đổ rác thải xuống sông, rạch...

PGS.TS Bùi Xuân Thành đề nghị cần lưu tâm đến diễn biến của loại ô nhiễm này, và công nghệ xử lý nước hiện tại là dùng chất chlorine để khử trùng. Nếu trong nước tồn tại các chất ô nhiễm hữu cơ vi lượng, gặp chất khử trùng chlorine mà công nghệ xử lý nước hiện tại đang dùng, có khả năng một nhóm các phụ phẩm sẽ hình thành trong quá trình xử lý nước, và có thể phát sinh những điều không mong muốn cho sức khỏe con người.

Sẵn sàng phương án xử lý khi có sự cố

Ông Bùi Thanh Giang - Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết, tính đến tháng 9.2019, tổng công suất cấp nước tại TP.Hồ Chí Minh đạt 2,4 triệu m3/ngày, trong đó lượng nước tiêu thụ thực tế là 1,8 triệu m3/ngày. Để đề phòng các sự cố, ngoài việc lấy mẫu nước định kỳ bởi phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025, Sawaco còn trang bị thêm hệ thống giám sát chất lượng nước online từ đầu nguồn đến nước vào nhà máy xử lý và hệ thống đường ống cung cấp cho người dân.

Theo đó, định kỳ hằng tháng Sawaco tổ chức lấy mẫu nước thô về phân tích, vị trí lấy mẫu nước là ngược lên thượng nguồn. Riêng sát vị trí trạm bơm sẽ có hệ thống giám sát chất lượng nước online. Các chỉ tiêu giám sát bao gồm độ đục, pH, amoni, mangan... Nếu vượt thông số cài đặt, hệ thống online sẽ phát tin cảnh báo. Và thông số từ hệ thống giám sát online cũng được kiểm tra đối chiếu với số liệu lấy mẫu trực tiếp phân tích tại phòng thí nghiệm để đảm bảo tính chính xác cao.

Trường hợp phát hiện ô nhiễm, mặn, vượt ngưỡng, nhà máy phải ngưng xử lý nước. Thực tế Nhà máy nước Tân Hiệp (công suất 300.000m3/ngày, sử dụng nước sông Sài Gòn) đã nhiều lần ngưng hoạt động vì nước nhiễm mặn, và phải tăng cường hóa chất xử lý trong những thời điểm một số chỉ tiêu ô nhiễm tăng cao.

Qua sự cố nước máy đầu nguồn bị ô nhiễm dầu phế thải tại Hà Nội, ông Giang cho biết Sawaco cũng đã lên kịch bản phòng chống. Theo đó, Sawaco đã trang bị 2 hệ thống phao ngăn, thu dầu thải đặt tại các trạm bơm nước, sẵn sàng ứng phó nếu có sự cố. Ngoài ra, ông Giang cho biết Sawaco cũng đã phối hợp các viện, trường đại học, đơn vị cấp nước quốc tế để nghiên cứu công nghệ xử lý nước tương ứng với điều kiện chất lượng nước nguồn bị ô nhiễm xấu hơn trong tương lai.

* Theo đại diện Sawaco, để đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn, liên tục cho thành phố trước những rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tác động đến hệ thống cấp nước, trong thời gian tới đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung các hạng mục công trình và giải pháp an toàn cấp nước như: các công trình dự phòng, hồ chứa nước thô, các bể chứa phân phối trên mạng lưới, các dự án đổi mới công nghệ xử lý nước,… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là các hạng mục này đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn.

* PGS.TS Bùi Xuân Thành đề ra bốn giải pháp quản lý để góp phần khống chế ô nhiễm hữu cơ vi lượng, trong đó ủng hộ TP.Hồ Chí Minh ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị; quản lý chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý phân bùn bể tự hoại ở TPHCM, tránh việc chất thải này đi vào sông, rạch...

Riêng về giải pháp công nghệ, theo ông Thành, áp dụng công nghệ oxy hóa nâng cao sử dụng ozone kết hợp than hoạt tính sinh học, hoặc công nghệ khác có thể loại bỏ chất hữu cơ trong nước. Ngoài ra, có thể áp dụng công nghệ PAC (power activated carbon) kết hợp lọc màng (membrane) hoặc công nghệ màng nhằm loại bỏ chất hữu cơ hòa tan. M.Q

Chất lượng nước mặt sông Đồng Nai một số đoạn suy giảm

Theo kết quả quan trắc mới nhất vào tháng 8.2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, chất lượng nước sông Đồng Nai trên 4 đoạn chảy qua địa bàn tỉnh có hàm lượng Amoni; TSS (tổng rắn lơ lửng); DO (lượng ôxy hòa tan trong nước); vi sinh… không đạt quy chuẩn cho phép (QCVN 08-MT:2015/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt). So sánh với kết quả quan trắc cùng thời kỳ năm 2018 cho thấy, đoạn 1 từ thượng nguồn sông Đồng Nai, huyện Tân Phú đến hồ Trị An và đoạn 2 từ hồ Trị An đến Bến đò Biên Hòa - Bửu Long của sông Đồng Nai chảy qua địa bàn tỉnh chất lượng nước mặt đều bị suy giảm. Đối với đoạn 3 từ Bến đò Biên Hòa - Bửu Long đến cầu Đồng Nai và đoạn 4 từ cầu Đồng Nai đến hợp lưu với sông Sài Gòn, chất lượng nước mặt tương đương với cùng kỳ năm 2018. H.A.C

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn