MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phà Bình Khánh cuối năm 2023. Cầu Cần Giờ được xây dựng sẽ thay thế cho phà Bình Khánh. Ảnh: TUYỀN LINH

Cần Giờ, giờ vàng đã điểm

Tuyền Linh LDO | 14/02/2024 16:30

Cầu Cần Giờ hoàn thành; Cần Giờ giữ nguyên, giữ vững mảng xanh; cuộc sống người dân tốt đẹp hơn nữa, cán bộ lãnh đạo năng xuống với dân, gần dân hơn nữa - bốn mong muốn cụ thể nhất trước thềm năm mới con rồng 2024 của người dân Thạnh An - huyện Cần Giờ - xã đảo đầu tiên và duy nhất của TPHCM.

Cần Giờ nhìn tới 21 năm sau

Nếu tính từ 29.12.2023 - ngày kỷ niệm 45 năm huyện Duyên Hải (Cần Giờ) sáp nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh tới ngày đầu Xuân Ất Sửu 2045, còn 21 năm nữa.

Tôi lẩn mẩn tìm đọc thông tin. Chưa bao giờ, Cần Giờ - địa phương duy nhất có biển (huyện tiếp giáp biển Đông với 23km bờ biển) của TPHCM lại “rơi vào điểm ngắm” nhanh, nhiều, thậm chí cấp tập như trong năm qua.

Về liên quan tới Cần Giờ, suốt năm Quý Mão 2023, có tới mấy chục cuộc họp bàn, thảo luận, hội nghị các cấp từ Trung ương, địa phương, tới cơ quan nghiên cứu; báo chí có cả nghìn tin bài. Thông tin đều nghiêm ngắn, thận trọng mang tính phản biện, quyết liệt nhưng cũng rộn ràng háo hức niềm mong, ý chí xây dựng, phát triển Cần Giờ thành cửa ngõ của TPHCM ra thế giới trong tầm nhìn “TPHCM hướng biển”. Cần Giờ sẽ được phát triển thành một đô thị vệ tinh, “…Phát triển thuận thiên, theo hướng thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” (lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính).

Nếu mọi đề xuất được phê duyệt, mọi dự án bắt đầu thực hiện từ ngày đầu Xuân 2024 với tinh thần không hề “duy ý chí” trong tổng thể tính toán không thể bỏ qua ba yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, thì Ất Sửu 2045, Cần Giờ có trong tay nổi bật ba thành quả: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (nằm biệt lập ở cù lao Phú Lợi có diện tích 571ha) - cảng xanh đầu tiên của Việt Nam. Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (dự kiến 30.4.2025 khởi công, rộng 2.870ha ở xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh, dự kiến thu hút 9 triệu lượt du khách mỗi năm, tạo hơn 36.000 việc làm). Cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh (dài 7,3km, dự kiến khởi công 30.4.2025).

Bình minh đang lên trên biển Cần Giờ. Ảnh: TUYỀN LINH

Thạnh An 40 năm trước và bây giờ

Kim Phụng là cô giáo Trường THCS và THPT Thạnh An. Thạnh An nằm giữa hai con sông Thị Vải và Lòng Tàu, diện tích 130km2, hơn 5.000 dân, có 3 ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình, Thiềng Liềng. Cô Phụng là một trong những người đầu tiên của xã đảo xốc vác lấy nhà mình làm homestay cho du khách khi tới Thạnh An.

Tối cuối tuần cuối năm con mèo, tôi và Phụng ngồi trước cửa nhà Phụng ở ấp Thạnh Hòa “tám dăm câu ba điều”. Phụng chỉ tay ra sân, “Hồi em bé xíu (Phụng nay cũng hơn 40), cách chưa tới trăm mét phía trước toàn cây đước. Nhà cửa lụp xụp. Không có bờ kè dân đảo lo biển lấn vào ăn đất mất nhà. Nay có bờ kè vững chãi, an tâm lắm; chính quyền cũng chăm lo cho Thạnh An”.

Ba của Phụng, bác Nguyễn Văn Ánh, 85 tuổi, móm mém mỉm cười, “Chính quyền làm cái bờ kè, hay dữ! Dân biết ơn chính quyền!”. Hỏi chuyện xưa của Thạnh An, bác Ánh bảo “Nghèo lắm cô ơi. Tôi mấy chục năm đi ghe cào lần hồi nuôi 8 đứa con. Cả đảo khi đó nghèo, đâu chỉ nhà tôi. Nhờ bờ kè chắn sóng vững chãi, nếu không chỗ này ra biển tuốt luốt mất rồi”.

Thạnh An - từng là xã nghèo của Cần Giờ. Cái chính trong phát triển chung của Thạnh An hay trong đời sống từng gia đình ở đây mấy chục năm qua, có lẽ, chính là, “an” để “thạnh” (thịnh/thịnh vượng). Có “thạnh” mới “an”.

Ngày hai buổi, cuối giờ chiều và sáng sớm tôi đạp xe loanh quanh trục đường chính của Thạnh An, xem dân đảo làm tấm đan để nuôi hàu, đan lưới, phơi khô cá; leo bờ kè ngắm hoàng hôn, bình minh. Phụng bảo, bờ kè dài hơn 1,5km, chạy từ điểm Đầu Voi tới Xáng Cạp.

Ban đêm, bờ kè được thắp sáng bằng hệ thống 75 trụ đèn điện mặt trời thuộc dự án “Thắp sáng đường biên”, lắp hè 2023. Ngày cuối năm, một nhóm công nhân thong thả kè nốt những đoạn bờ còn lại.

Thạnh An - như tên gọi, yên ả, hiền hòa. Người dân hiền lành, dễ mến. Loanh quanh đạp xe, tôi bỗng hiểu, điều tôi thấy bất an nhất của/cho xã đảo, chính là rác thải - nỗi lo “nhìn tận mắt, ngửi đầy mũi”. Hỏi chuyện một chị đang phơi cá, chị bảo, hai ngày một lần có ghe chở rác từ đảo về đất liền xử lý. Chính quyền, người dân, một số công ty, nhãn hàng quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường của Thạnh An - thể hiện rõ qua những phướn in lời kêu gọi giữ gìn vệ sinh môi trường, đặt thùng phân loại, đựng rác, quét dọn các con đường… Nhưng có lẽ vẫn không xuể với “giặc rác”.

Hè 2023, điểm ô nhiễm tại tổ 36, ấp Thạnh Bình, với sự giúp sức của Thành Đoàn TPHCM đã trở thành điểm sinh hoạt với nhiều thiết chế vui chơi cho thiếu nhi xã đảo. Tổng kinh phí thực hiện công trình hơn 630 triệu đồng.

Trong Nghị quyết “Định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030” của TPHCM, nhắc tới Thạnh An có các cụm từ, như: “triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội xã đảo Thạnh An”; “triển khai có hiệu quả Dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh xã đảo Thạnh An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo sự đột phá về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp phát triển với Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, đưa Thạnh An trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu và là xã đảo xanh, sạch, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Năm 2021-2025, TPHCM bố trí 155,33 tỉ đồng cho 7 dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh của Thạnh An, trong đó có dự án hệ thống thu gom, xử lý nước thải; đầu tư bồn dự trữ nước sạch tại ấp Thiềng Liềng; hệ thống dự trữ nước sạch tại trung tâm xã; xây dựng lò đốt rác sinh hoạt…

Giờ vàng đã điểm ở Cần Giờ

Đầu xuân Nhâm Thìn 2012, cách nay tròn một con giáp, Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu (người gắn bó với việc khảo cổ ở Cần Giờ từ năm 1990, một trong những người luôn đau đáu với các vấn đề phát triển của TPHCM nói chung và Cần Giờ nói riêng), khi đó, là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội TPHCM viết bài báo xuân “Cần Giờ, cảnh thị cổ, đô thị biển tương lai”. Nhiều ý kiến đóng góp của chị Hậu tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nghĩ về Cần Giờ, thời điểm 12 năm trước, sau một vài cuộc gặp gỡ, dựa trên những điều “mắt thấy tai nghe” tôi lúc đó, thì nghi hoặc đặt câu hỏi: Cần Giờ, “giờ vàng” đã điểm? Nay, nhìn từ thực tế cuộc sống, không nghi hoặc chi nữa, mà khẳng định: Cần Giờ, giờ vàng đã điểm.

Sáng thứ Hai đầu tuần, Phụng mời tôi vào căng tin trường ăn sáng “cho biết đời sống thầy cô xã đảo”. Nửa giờ trước khi vào giờ chào cờ, quanh ly cà phê, tôi được dịp lắng nghe đôi chuyện về trường lớp, học hành, đời sống nhà giáo từ một hai thầy cô.

Nói chuyện chơi chữ, kiểu “Cần Giờ, giờ cần gì”, thầy Lê Minh Nhựt phụ trách công đoàn của trường chia sẻ, “thiết thực nhứt, gần trước mắt nhứt, tôi mong cầu Cần Giờ xây nhanh, để thầy trò vùng xa lên thành phố dự các cuộc thi, hội họp, rút ngắn thời gian đi đường…”.

Cô giáo Phụng thì trước đó tâm sự với tôi “Mong đời sống người dân tốt đẹp hơn. Lãnh đạo năng xuống với dân hơn. Nói cho ngay, lãnh đạo xuống thăm dân, chào hỏi, hỏi thăm bác/anh/chị sống sao, nghe dân tâm sự, mới biết đời sống thực của dân chớ…”.

Tôi chợt thấy trong sân trường, trên chiếc ghế đá có in hàng chữ “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Nguyên văn câu trích từ bài viết “Mạo hiểm” của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Bá Học (1857-1921) như sau: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những đứng anh-hùng làm nên những việc gian-nan không ai làm nổi, cũng là nhờ cái gan mạo-hiểm, ở đời không biết cái khó là cái gì. Sách có nói rằng: Không vào hang hùm, sao bắt được cọp…” (Theo Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm).

Câu nói, như tôi thấy, có phần hợp cảnh, hợp thời điểm lúc này, không chỉ riêng với Cần Giờ. Cái gan dám mạo hiểm, cái đầu lý trí tính toán khoa học, đôi tay thực hiện khéo léo, chắc chắn - ít nhất là “ba món” cần thiết trước mắt ắt để giờ vàng đã điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn