MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần Giờ xây cầu, cảng biển, khu đô thị nhằm đưa TPHCM tiến ra biển

MINH QUÂN LDO | 02/09/2023 10:22

TPHCM - Dự án cầu Cần Giờ, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ tổng vốn gần 360.000 tỉ đồng sẽ triển khai trong các năm tới nhằm thực hiện mục tiêu đưa TPHCM tiến ra phía biển Đông.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vừa được UBND TPHCM trình Thủ tướng xem xét.

Dự án cảng Cần Giờ nằm biệt lập ở cù lao Phú Lợi, thuộc vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ. Tổng diện tích cảng là 571 ha (chiếm 0,8% của huyện), bao gồm 90 ha đất cù lao rừng phòng hộ ven biển và 481 ha diện tích mặt nước.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast

TPHCM đặt mục tiêu xây dựng cảng Cần Giờ từ năm 2024 nếu được Chính phủ duyệt. Theo tiến độ dự kiến, cảng Cần Giờ sẽ hoạt động từ 2027 với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên là 2,1 triệu TEU, tương đương 7% của Singapore (2021) - hệ thống cảng trung chuyển lớn nhất thế giới hiện nay.

Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua cảng Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.

Tổng vốn đầu tư của dự án gần 129.000 tỉ đồng (5,5 tỉ USD), do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư.

Cần Giờ được đánh giá có lợi thế nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và sở hữu tuyến luồng tốt nhất nước, đủ khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới (250.000 tấn). Cảng này nhắm đến khai thác thị trường trung chuyển quốc tế đang bị bỏ ngỏ tại Việt Nam, trong khi các cảng tại Đông Nam Á nắm giữ 28% tổng lượng hàng trung chuyển quốc tế toàn cầu, theo số liệu năm 2021.

TPHCM tham vọng đưa cảng Cần Giờ ngang tầm các trung tâm trung chuyển hàng hoá quốc tế lớn nhất Đông Nam Á như Singapore và Malaysia. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, các hãng tàu sẽ tiết kiệm ít nhất 1/4 chi phí nhiên liệu khi chọn Cần Giờ thay vì Singapore để trung chuyển hàng hóa từ Thái Lan, Campuchia, Philippines nhờ rút ngắn hải trình.

Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ

Cần Giờ cách trung tâm TPHCM khoảng 50 km, là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23 km bờ biển. Địa phương có tổng diện tích hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch.

Định hướng của TPHCM đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ, xây dựng và phát triển khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế tại đây. UBND TPHCM đặt mục tiêu đến ngày 30.4.2025 sẽ khởi công xây dựng Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Phối cảnh dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Ảnh: UBND huyện Cần Giờ

Dự án này rộng 2.870 ha ở xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với 5 phân khu, được khái toán tổng kinh phí hơn 76.000 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc.

TPHCM dự kiến khai thác 10 mỏ cát trên vùng biển Cần Giờ, trữ lượng 27 triệu m3 để làm nguồn san lấp làm dự án này.

Khi hình thành, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ trở thành nơi sinh sống của hơn 228.000 dân - gấp 3 lần dân số Cần Giờ hiện tại, thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và tạo ra hơn 36.000 việc làm.

Cầu Cần Giờ

Hiện nay, việc kết nối giữa huyện Cần Giờ và phần còn lại của TPHCM chủ yếu thông qua trục đường Huỳnh Tấn Phát - phà Bình Khánh - đường Rừng Sác. Trong tương lai, phà Bình Khánh sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông khi hai dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng.

Do đó, dự án cầu Cần Giờ đang được ngành giao thông TPHCM ưu tiên đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục để trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư cuối năm nay. Dự án sẽ khởi công dịp 30.4.2025, hoàn thành năm 2028 thay thế cho phà Bình Khánh.

Phối cảnh cầu Cần Giờ có trụ dây văng hình cây đước. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Cầu Cần Giờ dự kiến dài khoảng 3,4 km (gồm cả đường dẫn), điểm đầu tại đường 15B (song song với đường Huỳnh Tấn Phát); điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,5 km về phía Nam.

Trước đó, năm 2018, TPHCM đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế và lựa chọn cầu có kiến trúc dây văng một trụ tháp hình cây đước - đặc trưng của Cần Giờ.

Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, tổng mức đầu tư cầu Cần Giờ khoảng 12.725 tỉ đồng, tăng hơn 2.700 tỉ đồng so với trước đây do cập nhật lại một số hạng mục. Công trình đang được tính toán đầu tư theo các phương thức: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng tiền, hoặc đầu tư công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn