MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BHXH Quảng Nam phối hợp Bưu điện tổ chức chi trả lương hưu tại nhà trong đợt dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Dung

Cần hiểu đúng để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh

Hữu Long thực hiện LDO | 18/03/2021 08:12
Từ ngày 1.1.2021, quy định về thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT bắt đầu có hiệu lực. Quy định này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh, song cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và cần những giải pháp để chính sách BHYT phát huy được hiệu quả và đi vào cuộc sống. Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam liên quan đến những thuận lợi, khó khăn của cơ quan BHXH tỉnh khi triển khai thông tuyến BHYT trên địa bàn.

Việc thông tuyến BHYT có hiệu lực trong thời gian qua và đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ phía người dân. Bên cạnh sự ủng hộ, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc thụ hưởng của người dân và các vấn đề liên quan đến thanh toán, chi trả BHYT. Dưới góc độ cơ quan chuyên môn, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Việc thông tuyến BHYT có hiệu lực trong thời gian qua và đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người dân nhất là những người mang bệnh nặng. Tuy nhiên, người dân cần phải hiểu rõ hơn quy định mới để khỏi mất quyền lợi trong quá trình khám chữa bệnh (KCB).

Cụ thể, từ thời điểm 1.1.2021, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc, và được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB theo mức hưởng của nhóm đối tượng đó như khi đi KCB đúng tuyến.

Tuy nhiên, người tham gia BHYT tự đi KCB tại các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh vẫn là trường hợp đi KCB không đúng tuyến, và không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại Điều 22 Luật BHYT. Đồng thời, phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” trong trường hợp đã có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Hơn 2 tháng triển khai chủ trương của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Quảng Nam đến nay có gặp vướng mắc gì liên quan đến vấn đề thanh toán, chi trả do có sự chênh lệch về chi phí điều trị giữa các tuyến hay không?

- Hơn 2 tháng triển khai việc thông tuyến BHYT, BHXH tỉnh Quảng Nam nhận thấy sự gia tăng điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh song bên cạnh đó tình trạng nội trú ở tuyến huyện có phần giảm hơn, nhưng về chênh lệch về chi phí điều trị giữa các tuyến thì chưa thấy rõ vì thời gian quá ngắn. Tuy vậy, trong năm qua BHXH tỉnh đã có sự phối hợp với Sở Y tế để kịp thời điều tiết, điều chỉnh giữa các cơ sở KCB BHYT trong tỉnh nhằm bảo chi phí hoạt động cho các cơ sở y tế.

Khi người dân được hưởng lợi, rất có khả năng xuất hiện xu hướng người bệnh sẽ đổ về các bệnh viện tuyến trên để điều trị thay vì lựa chọn điều trị ở tuyến dưới. Theo ông, có nguy cơ quá tải cho các bệnh viện tuyến trên hay không?

- Việc thông tuyến tỉnh về điều trị nội trú trong phạm vị cả nước từ ngày 1.1.2021 theo Luật BHYT, có xu hướng cơ sở KCB sẽ chỉ định điều trị nội trú nhiều hơn, từ đó làm gia tăng số lượt và chi phí điều trị nội trú đồng thời sẽ làm quá tải các cơ sở KCB BHYT tuyến tỉnh.

Đây là thực tế buộc các cơ sở KCB tuyến dưới phải đầu tư nâng cao chất lượng KCB, nhất là về điều trị nội trú để giữ bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam để thống nhất ban hành thông tư hướng dẫn về phương thức thanh toán mới về BHYT theo Định suất và theo Nhóm chẩn đoán (DRG), theo đó có những quy định chặt chẽ hơn trong việc chỉ định nhập viên điều trị nội trú và cơ quan BHXH sẽ tăng cường giám sát, giám định để loại trừ các chi phí KCB BHYT không đúng quy định.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn