MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cạn kiệt buồng trứng vẫn sinh con nhờ trí tuệ nhân tạo

NGUYỄN LY LDO | 08/03/2023 16:49

TPHCM - Phát hiện dự trữ buồng trứng cạn kiệt ở tuổi 36, chị M.T.A vẫn có thể sinh con khỏe mạnh nhờ ứng dụng công nghệ AI trong điều trị hỗ trợ sinh sản.

Chị M.T.A (TPHCM) lấy chồng muộn nhưng vì chưa có kế hoạch sinh con, chị ngừa thai suốt 3 năm. Đầu năm 2021, chị đi khám tiền sản và biết tin sốc buồng trứng suy giảm trầm trọng, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) chỉ còn 0,3. Trong khi phụ nữ khỏe mạnh và dưới 38 tuổi, AMH bình thường nằm trong khoảng từ 2,0 - 6,8 ng/ml.

  Hệ thống nuôi cấy phôi Embryoscope nơi ươm mầm em bé ống nghiệm. Ảnh: Tuệ Diễm

Khoảng 6 tháng nỗ lực bồi bổ sức khỏe và quan hệ tự nhiên nhưng cả 2 vợ chồng không có tin vui, chị tìm đến nhiều trung tâm điều trị hiếm muộn, nhưng nhận được nhiều cái lắc đầu từ bác sĩ bởi bản thân chị “như giếng cạn nước”. Chị A suy sụp, thất vọng, mơ hồ về khả năng phải xin trứng mới có thể sinh con. 

Qua thăm khám với ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, lần chọc hút trứng đầu tiên, chị A thở phào vì bác sĩ kích được 8 trứng. Hệ thống nuôi cấy phôi như “buồng tử cung nhân tạo” có camera giám sát 24/24 giúp vợ chồng quan sát toàn bộ hành trình của con từ một “em bé phôi” nhỏ bé, phân chia tế bào mạnh trong Labo. 

Qua quan sát đánh giá, bác sĩ chọn được 1 phôi tốt ngày 5 và 1 phôi ngày 6. Số phôi chất lượng tuy ít nhưng đủ cho chị sinh con. Tuy nhiên, chị A. cần lấy trữ trứng lần 2 vì chỉ số AMH người mẹ đã chạm đáy không để được lâu nếu muốn sinh lần 2. Sau khi cân nhắc, 2 vợ chồng quyết định trữ đông phôi và tiếp tục kích trứng làm thêm một chu kỳ IVF lần 2. 

Hơn 9 tháng sau, chiếc phôi đó trở thành cậu con trai đầu lòng của vợ chồng chị. “Được nhìn thấy con hình thành như thế nào là một trải nghiệm kỳ diệu”, chị A. xúc động nói.

Em bé được sinh bằng công nghệ AI. Ảnh: Tuệ Diễm 

Bác sĩ Giang Huỳnh Như cho hay, công nghệ AI được triển khai khác với các tủ nuôi cấy thông thường, Embryoscope được ví như “buồng tử cung nhân tạo”, với mỗi ngăn tủ được sử dụng cho một ca nuôi cấy riêng biệt. Trong trường hợp một ngăn bất kỳ mở cửa, cửa của những ngăn còn lại vẫn được đóng kín. Điều này giúp làm giảm sự thay đổi đột ngột nhiệt độ, độ ẩm, môi trường khí trong tủ nuôi. Mỗi phôi được nuôi cấy trong một buồng nuôi cấy độc lập có gắn camera riêng biệt. 

Trước đây, khi chưa có ứng dụng này, các chuyên viên phôi học phải lấy phôi trong tủ nuôi ra ngoài để quan sát trực tiếp dưới kính hiển vi. Sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm, môi trường khí xung quanh phôi có thể khiến phôi bị sốc. Do đó, tỷ lệ phôi hỏng cao, phôi bị gián đoạn phát triển, khó nuôi phôi đến ngày 5… khiến giấc mơ làm cha mẹ càng trở nên khó khăn hơn.

“Trí tuệ nhân tạo AI là ‘cánh tay đắc lực’ giúp chuyên viên có cơ sở đánh giá chất lượng phôi, lựa chọn phôi tốt để chuyển vào tử cung và tiên lượng khả năng đậu thai”, bác sĩ Huỳnh Như cho biết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn