MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sáp nhập 80 phường tại TPHCM có thể gây sức ép lên công tác quản lý của một số địa phương. Ảnh: Phương Ngân

Cân nhắc việc tính toán số lượng cán bộ trên số dân

NGỌC ÁNH LDO | 13/12/2023 09:34

Việc sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận của TPHCM không chỉ phát sinh những vướng mắc cho người dân về mặt thay đổi giấy tờ, thủ tục hành chính mà còn có thể gây sức ép lên công tác quản lý của một số địa phương, bởi khối lượng công việc phải tăng lên gấp nhiều lần.

Quá tải công việc hành chính

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng, về phía chính quyền, việc sáp nhập sẽ khiến khối lượng công việc của cán bộ, công chức một số địa phương gặp phải tình trạng quá tải.

Theo Tiến sĩ Nguyên, trong trường hợp người dân cần giao dịch với phường mới, rất có thể sẽ lại phải cần thêm những giấy tờ, thủ tục chứng minh trước đó người này ở phường cũ. Như vậy cán bộ, công chức sẽ phải làm thêm rất nhiều công đoạn, thủ tục. Đây là điều cần phải lường trước và tính toán lại, nhất là khi đã có bài học trước đó về việc thay đổi chứng minh nhân dân (CMND) sang thẻ căn cước công dân (CCCD).

Ông Nguyên lấy ví dụ, trước đây khi muốn chuyển CMND sang CCCD, người dân lại phải xin thêm một giấy chứng nhận xác minh thay đổi thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Nguyên, việc xáo trộn sau khi sáp nhập phường là không thể tránh khỏi, nhưng không phải là không thể giải quyết.

"Để tạo được sự đồng thuận và ủng hộ cao trong nhân dân, trước hết cần thông báo rộng rãi về những khó khăn có thể gặp phải khi tiến hành sáp nhập phường sắp tới. Đồng thời, đưa ra giải pháp, với những khó khăn, vướng mắc đó, chính quyền sẽ giải quyết như thế nào để người dân an tâm hơn" - ông Nguyên nói.

Dôi dư cán bộ, công chức

Theo phương án được Sở Nội vụ đưa ra để bố trí, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư sau khi sáp nhập phường, lãnh đạo sở cho biết, thành phố sẽ có nhiều phương án, gồm: Giải quyết nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi) hoặc không đủ tiêu chuẩn để tái cử; điều động sang phường khác hoặc xét chuyển thành công chức cấp huyện; giải quyết thôi việc; thực hiện tinh giản biên chế.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, để đạt được hiệu quả cao, chính quyền nên cân nhắc đến việc tính toán số lượng cán bộ, công chức trên số dân.
"Không nên đi theo kiểu cứ mỗi phường, mỗi quận thì cần bao nhiêu cán bộ, công chức mà phải căn cứ theo số dân của phường đó để bố trí, tạo được sự hài hòa. Cách tính này cũng góp phần giải quyết được vấn đề quá tải công tác hành chính của đơn vị" - ông Nguyên nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc sáp nhập 80 phường của 10 quận tại TPHCM gây nên những thay đổi nhất định, do đó cán bộ đơn vị cần phải nâng cao năng lực, thể hiện cái tâm đối với nhân dân để công tác sáp nhập sớm đi vào nền nếp, người dân ổn định cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn