MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số người thản nhiên kéo khẩu trang xuống cằm, hút thuốc trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Đông Đức Anh

Cần phạt "nguội" hành vi hút thuốc lá nơi công cộng

Nhóm phóng viên LDO | 09/01/2021 10:00

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm. Tuy nhiên, thực tế tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều ý kiến cho rằng, cần áp dụng công nghệ để tiến hành xử phạt “nguội” đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng tương tự như phạt “nguội” vi phạm giao thông.

Vô tư hút thuốc lá nơi công cộng

Bộ Y tế đang có dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá và việc xét tặng danh hiệu môi trường không khói thuốc. Theo đó, tại một số địa điểm, người hút thuốc sẽ bị phạt tới 500.000 đồng, còn đơn vị kinh doanh sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng nếu không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, theo quy định của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15.11, mức phạt tiền với hành vi hút thuốc tại nơi bị cấm sẽ tăng lên từ 200.000-500.000 đồng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, sau gần 2 tháng kể từ ngày Nghị định 117 có hiệu lực, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn ra phổ biến.

Cụ thể, ghi nhận của Lao Động, ngày 8.1, tại khuôn viên các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Việt Đức… là nơi tập trung nhiều người bệnh, người nhà tới thăm khám chữa bệnh nhưng tình trạng hút thuốc lá tại đây diễn ra một cách tràn lan. Tại các bệnh viện này, mặc dù biển cấm hút thuốc lá treo ở nhiều nơi, từ hành lang bệnh viện đến trước phòng bệnh nhưng nhiều người vẫn hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện.

Đang chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bà Đinh Thị Hằng (quê Thanh Hóa) phàn nàn: “Tôi thấy ở đây nhiều biển cấm hút thuốc ở khắp nơi thế nhưng ở hành lang hay khu vực ghế chờ dành cho người nhà bệnh nhân, vẫn nhiều người thản nhiên phì phèo điếu thuốc lá. Bệnh nhân vào đây với nhiều bệnh tật đã mệt mỏi và khó chịu lắm rồi mà hít phải khói thuốc như vậy sẽ làm bệnh tình có thể thêm nặng hơn”.

Ngoài ra, Bến xe Mỹ Đình cũng là địa điểm công cộng thường tập trung rất đông người. Các biển báo cấm hút thuốc lá được dán khắp nơi, tại những vị trí dễ nhìn thấy, song vẫn thấy người hút thuốc lá xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, từ ngoài cổng đến điểm chờ của bến xe.

Bến xe Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng xảy ra tình trạng tương tự, bất chấp biển báo cấm ở khắp nơi, người dân vẫn thản nhiên hút thuốc. Những người hút thuốc chủ yếu là các tài xế taxi, xe ôm trong lúc chờ đợi hành khách. Ngoài ra, cũng không ít những hành khách, đặc biệt là nam giới trong lúc đợi xe theo thói quen cũng vô tư nhả khói thuốc lá.

Tại TPHCM, việc hút thuốc lá tại bệnh viện diễn ra một cách công khai. Các bệnh viện đã xây dựng môi trường không khói thuốc nhưng thực tế, việc hút thuốc trong bệnh viện chỉ mới giảm chứ chưa chấm dứt.

Theo TS.BS Trương Thị Ngọc Lan - Phó Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM - nhìn nhận, người hút thuốc lá tại bệnh viện chủ yếu là thân nhân của các bệnh nhân. Để giảm thiểu tình trạng này, Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM đã cho nhân viên y tế, bảo vệ nhắc nhở thường xuyên và đa phần người vi phạm đều chấp hành tốt. Ngoài ra, đơn vị còn theo dõi qua hệ thống camera lắp tại các điểm trong khuôn viên để phát hiện kịp thời những trường hợp hút thuốc và lập tức nhắc nhở ngay. Việc xử phạt thì bệnh viện không có thẩm quyền.

Cần áp dụng công nghệ để phạt nguội

Không chỉ những nơi như bệnh viện, Bộ Y tế đang từng bước siết chặt các quy định về việc hút thuốc lá nơi cộng cộng. Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá của Bộ Y tế, nhà hàng, quán cà phê, cơ sở dịch vụ ăn uống là những địa điểm được quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn.

Nhiều chủ quán ăn uống, dịch vụ mặc dù đồng tình với quy định cấm hút thuốc lá nhưng lo ngại sẽ vắng khách hơn. Anh Văn Thành (32 tuổi, chủ quán cà phê và ăn uống tại đường Đồng Nai, phường 12, quận 10, TPHCM) chia sẻ, nhiều khách hàng tới uống cà phê hút thuốc lá khiến anh phải vất vả dọn dẹp hơn, những vật dụng trong quán ám khói thuốc nhanh cũ và hư hỏng, rất dễ xảy ra cháy nổ nếu người hút thuốc lá vô ý. Do đó, quy định cấm hút thuốc lá khiến anh rất ủng hộ. Tuy vậy, người đàn ông này vẫn không khỏi lo lắng: "Khách hàng là thượng đế, biết hút thuốc sẽ không tốt nhưng rất khó nhắc nhở hoặc từ chối phục vụ vì như vậy sẽ mất khách. Tôi lo sẽ bị xử phạt vì không đôn đốc, nhắc nhở khách việc này".

Trong khi đó, những tín đồ hay đi cà phê, ăn uống lâu nay hay bị phiền hà về khói thuốc lá thì tỏ ra ủng hộ hoàn toàn việc cấm hút thuốc trong quán cà phê, quán ăn vì tránh phải khói thuốc nồng nặc. Anh Minh Thiên (32 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 6, TPHCM) thường xuyên ngồi uống cà phê và tỏ ra khó chịu với mùi khói thuốc từ những người bên cạnh. "Nhiều người mỗi khi uống cà phê rất hay hút thuốc và tôi chính là người bị động hít phải khói thuốc đó. Vì vậy, cấm hút thuốc ở quán cà phê, cơ sở dịch vụ ăn uống là điều rất tốt. Tôi nghĩ cần phạt nguội, lắp đặt camara ở những nơi công cộng để phát hiện và xử phạt để răn đe, vì sức khoẻ chung của cộng đồng" - anh Thiên cho hay.

Còn với kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Thành Hậu (quận 3, TPHCM) thì cho rằng, lâu nay đã có các quy định xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, bệnh viện nhưng do không các cơ quan chức năng không đủ người bố trí có mặt thường xuyên ở những nơi công cộng để phát hiện, xử phạt, do vậy hiệu quả chưa cao.

“Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng nên áp dụng các hình thức phạt nguội đối với những người vi phạm hút thuốc là nói riêng và những hành vi vi phạm khác ở nơi công cộng. Chẳng hạn, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cần lắp đặt rộng rãi camera ở những nơi công cộng để ghi hình xử phạt. Với xu hướng công nghệ khoa học tiên tiến như hiện nay, đặc biệt là với việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận diện mặt người thì việc xử phạt nguội là hoàn toàn khả thi và khá hiệu quả” - anh Hậu nói.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá TP.Hà Nội, qua công tác kiểm tra cho thấy, những đơn vị thực hiện tốt môi trường không khói thuốc một phần quan trọng là nhờ đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế nội bộ cơ quan, trưởng các đầu mối phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm. Để xử phạt nghiêm hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm hút thuốc lá, tới đây, Sở Y tế TP.Hà Nội sẽ phối hợp thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm.

Xử phạt nghiêm để luật được thực thi

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Mạnh Hà - Trưởng ca điều hành bến xe Giáp Bát - nói rằng, song song với công tác phòng chống dịch COVID-19, đơn vị cũng thường xuyên và liên tục tuyên truyền người dân không hút thuốc lá trong bến xe. Hiện tại, bến xe vẫn chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân không hút thuốc và khuyến cáo về tác hại của thuốc lá. Còn việc xử phạt, xử lý những trường hợp vi phạm thì bến xe chưa được quyền nên tình trạng này vẫn diễn ra.

Luật sư Nguyễn Hữu Học (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, việc ban hành quy định trong đó nêu cụ thể những điểm cấm hút thuốc lá là cần thiết để làm cơ sở cho việc xử phạt. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm ở đây là tính hiệu lực của quy định sẽ được thực hiện thế nào, bởi đến nay gần như chưa có thống kê hoặc công khai số liệu về số người bị phạt vì hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, trong khi thực tế những hành vi này vẫn diễn ra. Do đó, nên áp dụng việc “phạt nguội” thông qua việc giám sát hình ản từ camera công cộng, camera an ninh, thậm chí những clip của người dân cung cấp. Có như thế mới hạn chế dần hành vi vi phạm, để pháp luật thực sự là có hiệu lực chứ không phải là những khẩu hiệu.

Còn Luật sư Vũ Tuấn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc tăng mức phạt là hết sức cần thiết để răn đe, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường sống xanh - sạch - không khói thuốc lá. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện quy định này nghiêm túc để đạt hiệu quả thiết thực.

Một trong những điểm mới rất đáng lưu ý của Nghị định 117, đó là quy định các cơ quan chức năng được phép sử dụng các công cụ, cách thức nhằm phát hiện các hành vi vi phạm như: Camera, chụp ảnh, quay phim… để xử phạt "nguội" đối với những người hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm. Đây là cách làm mới, vừa tiết kiệm nhân lực, chi phí, vừa tăng tính hiệu quả trong phát hiện và xử lý hành vi vi phạm. Đông Đức Anh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn