MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ cháy ở Cty gỗ đe dọa cháy lan sang nhiều hộ dân và nhà trọ công nhân.

Cần sớm đưa nhà xưởng vào khu công nghiệp

ĐINH VĂN TRỌNG LDO | 11/10/2018 09:39
Trong hai tháng gần đây, tại Bình Dương liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn. Đáng chú ý là các vụ cháy xảy ra tại các nhà xưởng, nhất là các xưởng gỗ nằm ngay trong khu vực đông dân cư, đe dọa sự an toàn của người dân và ảnh hưởng đến môi trường sống.

Liên tiếp cháy ở các nhà xưởng

Mới đây nhất là vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra lúc 16h20 ngày 1.10 ở Cty TNHH Trí Gia tại thị trấn Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên. Vụ cháy kéo dài khoảng 12 giờ đồng hồ mới được dập tắt và hậu quả là thiêu rụi hàng nghìn mét vuông nhà xưởng cùng kho sơn, khu gỗ thành phẩm gây thiệt hại hàng tỉ đồng. Đây được cho là vụ hỏa hoạn lớn nhất ở Bình Dương từ đầu năm 2018 đến nay.

Lực lượng PCCC tỉnh Bình Dương đã phải điều động hàng trăm chiến sĩ, khoảng 20 xe chữa cháy chuyên dụng của TP. Thủ Dầu Một, huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên và khu công nghiệp lân cận tham gia dập lửa suốt 12 giờ.

Tuy nhiên, do nhà xưởng Cty nằm trong hẻm của khu dân cư nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, đám cháy cũng đe dọa hàng chục nhà dân, nhà trọ công nhân và các Cty khác nằm xunh quanh.

Ngày 3.8, cũng tại khu phố Bình Thuận (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), người dân một phen hoảng sợ khi Cty hóa chất phát cháy. Lửa bao trùm nhà xưởng rộng khoảng 500m2 với cột khói bốc cao hàng chục mét.

Đáng nói, các nhà xưởng bị cháy thời gian vừa qua đều nằm trong khu dân cư đông đúc. Đồng thời, các Cty này đều sản xuất những sản phẩm dễ cháy (gỗ, hóa chất...).

Bao giờ đưa nhà xưởng vào cụm, khu công nghiệp?

Hoạt động nhà máy nằm ngay trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn do cháy nổ, ô nhiễm môi trường sống. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại Bình Dương còn hàng trăm nhà xưởng sản xuất công nghiệp hoạt động nằm xen kẽ trong khu vực dân cư. Nhiều nhất là ở phường Thuận Giao, Bình Chuẩn, An Phú của thị xã Thuận An và các phường ở thị xã Tân Uyên.

Ông Đoàn Hồng Tươi - Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên - cho biết, các nhà máy hình thành trước, xung quanh là đất trống, sau này người dân mua đất làm nhà gần đó nên hình thành khu đông dân cư. Khi không may xảy ra hỏa hoạn và không chữa cháy kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ dân xung quanh.

Được biết hiện nay, Bình Dương có 28 khu CN và 12 cụm CN, diện tích cho thuê bất động sản công nghiệp vẫn còn trống khoảng gần 30%.

Trao đổi về kế hoạch để đưa các nhà máy công nghiệp vào trong khu công nghiệp được xây dựng bài bản, có đầy đủ hệ thống PCCC và cách xa khu dân cư, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, vừa qua, tỉnh có đưa vấn đề này ra bàn bạc, còn kế hoạch cụ thể DN nào đi, DN nào ở thì chưa có. Trong thời gian tới tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng kế hoạch này.

Trao đổi với phóng viên, LĐLĐ thị xã Tân Uyên cho biết, sau khi xảy ra vụ cháy tại Cty TNHH Trí Gia, Cty đang tạm ngưng sản xuất và việc này làm ảnh hưởng đến việc làm của 370 lao động tại Cty.

Dự kiến, Cty sẽ có thông báo về việc bố trí lao động ở một cơ sở khác. Trường hợp nếu không bố trí được việc làm cho toàn bộ lao động trên, LĐLĐ thị xã Tân Uyên sẽ phối hợp với các đơn vị để giới thiệu việc làm mới, sớm ổn định cuộc sống người lao động thời gian cuối năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn