MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm trước, nhóm lao động ở Hàn Quốc cùng nhau chuẩn bị Tết khi không thể về quê. Ảnh: Minh Phương

Cận Tết, lao động tha hương mong mỏi về quê

Minh Phương LDO | 14/01/2022 10:25
Tết Nguyên đán là dịp vô cùng ý nghĩa với công nhân, lao động xa quê. Năm nay, bầu không khí chuẩn bị đón Tết có phần trầm lắng hơn vì nỗi lo công việc, thu nhập, dịch bệnh...

Trăn trở chuyện về hay ở

Với công nhân khu công nghiệp, tháng cận Tết là thời điểm nhiều lo toan vì vô số khoản tiền phải chi tiêu.

Xế chiều, trong căn phòng trọ khép kín rộng hơn 10m2, chị Nguyễn Thị Anh - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) vội vã chuẩn bị cơm trưa để kịp vào làm ca 3 từ 8h tối đến 8 giờ sáng hôm sau. Vừa nhặt rau, chị Anh vừa tính toán về các khoản chi tiêu trong dịp Tết Âm lịch sắp tới. Như thường lệ, mọi năm vợ chồng chị Anh sẽ nghỉ Tết sau 1 ngày theo lịch nghỉ Tết chung; sau đó trở lại thành phố làm việc từ mùng 6 Tết.

Quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An), học xong cấp 3, chị Anh xuống Hà Nội xin đi làm công nhân. 5 năm sau đó, chị kết hôn với chồng cùng làm công ty quê ở Thanh Hoá. Chị Anh cho hay, vào kỳ nghỉ Tết, nếu đón Tết ở bên nội, vợ chồng chị sẽ chúc Tết ngoại trước rồi biếu ông bà một chút quà. Việc đi lại cũng tốn kém nhưng với chị, đi làm xa nhà cả năm, dịp Tết là thời điểm để con cái báo hiếu, quây quần.

Chị Anh nhẩm tính, Tết tiêu tốn hết của anh chị 15-17 triệu đồng, bao gồm tiền biếu bố mẹ 2 bên, sắm sửa thêm cho gia đình, tiền tàu xe, mừng tuổi… Số tiền này, bằng hơn 2 tháng lương của chị Anh. Nhưng đó là những năm trước khi chưa có dịch, năm nay dịch bùng phát mạnh, có thời điểm vợ chồng chị không có việc làm, phải sống bằng tiền tích cóp bấy lâu nay.

Nhắc đến Tết Nguyên đán, người mẹ 2 con thoáng buồn, trăn trở: “Càng gần những ngày giáp Tết, nỗi nhớ nhà, nhớ con lại cồn cào, da diết. Đã 1 năm tôi chưa được ôm con. Năm nay dịch bệnh, không biết về địa phương có phải cách ly không, rồi khi quay trở lại, công ty cho công nhân đi làm luôn hay phải cách ly tại nhà một thời gian”.

Thời điểm này mọi năm, vợ chồng công nhân đã lên kế hoạch chi tiêu thế nào, xe cộ ra sao vào dịp Tết. Nhưng năm nay, “một năm kinh tế buồn” - chị Anh nói, phải chờ tiền thưởng Tết Âm lịch rồi mới quyết định có về hay không…

Anh La Văn Hoàng - công nhân Cty TNHH Eiwo (Đông Anh, Hà Nội) lặn lội từ Sơn La xuống Hà Nội làm việc đã 7 năm. Tết năm trước, anh Hoàng không về mà xin ở lại làm thêm để tăng thu nhập. Anh tính, năm nay nhất định sẽ về ăn Tết cùng gia đình. Nhưng “người tính không bằng trời tính” - anh Hoàng nói.

Anh Hoàng có hơn 2 tháng không có việc làm, phải sống bằng tiền ngưng việc của công ty. Tết đến, anh lo lắng tình hình dịch bệnh, cộng với số tiền tiết kiệm chưa có nên sẽ không thể về quê. “Nếu không được về quê đón Tết, tôi sẽ chăm chỉ làm lụng, gửi tiền về cho vợ con có mùa Tết ấm ấp hơn. Tôi nghĩ gia đình sẽ hiểu và thông cảm cho tôi” - anh Hoàng bày tỏ.

4 năm chưa biết “mùi Tết”

Anh Trần Văn Hiếu - 28 tuổi (quê ở Quảng Bình), xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đã 4 năm nay. Cảm giác một mình ở nơi xa lạ, mỗi khi dịp Tết đến xuân về, anh Hiếu không khỏi nhớ về quê hương, gia đình.

Năm nay, anh Hiếu dự tính sẽ về quê nhà ăn Tết sau 3 năm xa cách nhưng dịch COVID-19 đã làm vỡ lở mọi kế hoạch. Anh sợ được về nhà sẽ mất nhiều thời gian để quay lại Hàn Quốc, trong khi chỉ còn 1 năm là hết hạn hợp đồng. 2 năm đầu ở nơi đất khách, ngày Tết Nguyên đán đối với anh như ngày thường vì không quen biết ai. Những lời chúc, hỏi han đều được thông qua tin nhắn, video... “Vậy là thêm 1 năm nữa tôi không biết hương vị Tết nhà. Nhiều khi tôi cũng cảm thấy cô độc nhưng vì tương lai lại càng phải cố gắng” - anh Hiếu nói.

Kể thêm về công việc, anh Hiếu cho hay mỗi ngày anh làm việc khoảng 8 tiếng, dịch COVID-19 tác động nên hơn 2 tháng nay anh không còn được tăng ca nhiều, thu nhập trung bình gần 40 triệu đồng/tháng. Nửa năm trở lại đây, cuộc sống của anh dư dả hơn vì được làm thêm giờ, thu nhập ở mức 50-60 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn