MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng kêu gọi thuyền viên ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) vào bờ tránh bão tối 27.9. Ảnh chụp màn hình

Cần thay đổi cách tiếp cận với thuyền viên trong khu neo đậu khi có bão

Tường Minh LDO | 29/09/2022 15:49

Đà Nẵng - Theo ông Lê Minh Hoan, nên nghiên cứu để có một cách tiếp cận khác để quản lý được thuyền viên khi sắp có bão bằng cách kết nối thông tin, đường dây nóng.... thay vì vận động, cưỡng chế, để rồi họ lại trốn tránh, chống lệnh.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, đã nêu ý kiến với Thủ tướng Chính trong cuộc họp trực tuyến tổng kết bão số 4, ngày 28.9, rằng cần có cách tiếp cận khác đối với các thuyền viên trên các tàu neo đậu trong khu trú ẩn không chịu lên bờ tránh trú.

“Lâu nay, khi ngư dân, các thuyền viên đưa tàu thuyền về trú ẩn ở các khu neo đậu khi có bão thì bằng mọi giá, chúng ta phải đưa họ lên bờ để trú tránh nhưng chưa hiệu quả. Qua thực tiễn cùng các địa phương chỉ đạo, điều hành ứng phó bão số 4, tôi thấy chúng ta nên nghiên cứu để có một cách tiếp cận khác để quản lý được họ bằng cách kết nối thông tin, đường dây nóng.... thay vì vận động, cưỡng chế, rồi họ lại trốn tránh, chống lệnh như lâu nay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Trước đó, như Lao Động đã thông tin, tối 27.9, chỉ còn vài tiếng nữa là bão số 4 đổ bộ vào miền Trung với tâm bão ở Đà Nẵng và Quảng Nam, tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, mặc dù các tàu đã vào nơi trú ẩn, nhưng thuyền viên lại không chịu rời tàu lên bờ.

“Trước khi cuộc họp diễn ra, tôi đi kiểm tra ở Quảng Trị và phát hiện có khoảng 400 tàu neo đậu trong các âu thuyền vẫn còn sáng đèn, chứng tỏ trên đó vẫn còn người”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 nói.

Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Trước khi cuộc họp diễn ra, Đà Nẵng còn 34 thuyền viên của các tàu ngoài tỉnh đang neo đậu tại nơi trú bão Đồng Nò và khoảng 100 người ở âu thuyền Thọ Quang không chịu lên bờ với lý do lo sợ chìm tàu.

“Tôi đã trực tiếp xuống 2 tàu để thuyết phục nhưng họ không lên. Họ còn chất vấn lại tôi nếu tôi lên bờ, tàu chìm thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Nguyễn Văn Quảng kể.

Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã lập biên bản, tổ chức cưỡng chế 30 thuyền viên ở nơi trú bão Đồng Nò lên bờ. Còn lại khoảng 100 thuyền viên ở âu thuyền Thọ Quang, chính quyền địa phương đã đồng ý cho các thuyền viên ở lại bơm nước cạn tàu trước khi lên bờ.

“Tôi đã cho lập biên bản tất cả trước khi cưỡng chế. Đồng thời tuyên bố với các chủ tàu sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không cho thuyền viên lên bờ và để xảy ra tai nạn chết người khi bão vào”, ông Quảng nói.

Và cho đến sáng 28.9, khi bão số 4 đã vào bờ, ở âu thuyền Thọ Quang của thành phố Đà Nẵng vẫn còn 60 thuyền viên ở trên các tàu. Rất may là những thuyền viên này vẫn an toàn khi bão đi qua.

Thực tế bao nhiêu năm nay, mỗi khi bão đến, chính quyền các địa phương bằng mọi giá, kể cả cưỡng chế để đưa tất cả thuyền viên, ngư dân đang neo đậu trong các âu thuyền, khu tránh bão... lên bờ để bảo đảm an toàn tính mạng.

Tuy nhiên, cái lý của ngư dân là họ phải ở lại tàu để tát nước, để nổ máy nhằm chống chọi với bão để cân bằng tàu thuyền, nếu không tàu sẽ bị lật, chìm. Và đây chính là lý do dẫn đến việc họ luôn “chống lệnh”, dù có cưỡng chế lên bờ vẫn tìm cách quay lại để bảo vệ tàu thuyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn