MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình đang được sửa chữa và khắc phục những thiếu sót về PCCC. Ảnh: Nguyễn Trường

Cần thêm 3 năm để xử lý các trụ sở không đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy tại Ninh Bình

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 30/01/2024 16:43

Ninh Bình - Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 100 trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường học và các cơ sở y tế công lập không đảm bảo quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng chưa được xử lý.

Trước đó, ngày 10.12.2021, HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC (ngày 29.6.2021 do Quốc hội ban hành) có hiệu lực.

Theo đó, việc xử lý các cơ sở trên phải được thực hiện xong trước ngày 1.1.2024, nếu sau thời gian này mà các đơn vị vẫn chưa xử lý xong thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thực hiện nghị quyết trên, Công an tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch và lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện PCCC tại một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình.

Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, quá trình kiểm tra cho thấy hơn 300 cơ sở là trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, các trường học, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều không đảm bảo các quy định về PCCC. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm và kiên quyết yêu cầu các cơ sở khắc phục những sơ hở, thiếu sót về PCCC và cứu nạn cứu hộ.

"Theo quy định thì việc khắc phục phải được xử lý xong trước ngày 1.1.2024, tuy nhiên do gặp khó khăn, vướng mắc về kinh phí nên nhiều đơn vị vẫn chưa khắc phục được. Có những đơn vị để khắc phục những tồn tại, thiếu sót về PCCC thì phải bỏ ra mức kinh phí lên đến hàng tỉ đồng, chính vì vậy nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí để khắc phục" - đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Ninh Bình cho hay.

Cũng theo vị đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Ninh Bình, hiện đã có gần 200 đơn vị đã khắc phục xong. Những đơn vị đã khắc phục xong là những đơn vị có thiếu sót ít, như: thiếu bình chữa cháy, đường ống dẫn nước chữa cháy, cầu thang thoát hiểm... với kinh phí ít nên họ đã bố trí được kinh phí và khắc phục xong đúng thời hạn. Số còn lại khoảng hơn 100 đơn vị do nguồn kinh phí để khắc phục lớn nên đơn vị chưa bố trí được nguồn và chưa thể khắc phục được.

Về vấn đề này, bà Đinh Thị Thúy Ngần - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình cũng thừa nhận, đây là một trong những khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Theo bà Ngần, Nghị quyết số 124/2021/NQ-HĐND ngày 10.12.2021 của HĐND tỉnh Ninh Bình, được ban hành sau thời điểm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Ninh Bình. Vì vậy, dẫn đến việc khó khăn trong việc tham mưu bố trí nguồn vốn cho các dự án.

Bà Ngần cho rằng, theo Điều 12, Nghị định 136/2020/NĐ-CP, ngày 24.11.2020 của Chính Phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC thì kinh phí phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng phải được bố trí ngay trong giai đoạn lập dự án đầu tư và thiết kế công trình.

"Mới đây, ngày 8.12.2023, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 12 để điều chỉnh thời gian khắc phục đối với các đơn vị trên đến năm 2027. Vì vậy, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh bố trí, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để đảm bảo kinh phí cho các đơn vị hoàn thành" - bà Ngần cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn