MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe buýt nhanh BRT Hà Nội trong giờ cao điểm. Ảnh: ĐT

Cần tính toán lại hiệu quả tuyến buýt nhanh BRT

Đặng Tiến LDO | 15/07/2022 07:17
Sau gần 6 năm vận hành, khai thác, tuyến buýt nhanh BRT 01 của Hà Nội không chỉ bộc lộ hàng loạt bất cập mà hiệu quả khai thác chỉ như buýt thường… Chuyên gia cho rằng, cần phải tính toán lại để người dân từ bỏ thói quen đi lại bằng phương tiện cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng và đặc biệt là cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT.

Nhiều bất cập với người tham gia giao thông

Tuyến buýt nhanh BRT 01 có lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa với tổng chiều dài 14km, đi qua những tuyến đường có mật độ phương tiện cao bậc nhất Hà Nội như: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Quang Trung, Lê Trọng Tấn… Vào các khung giờ cao điểm, các tuyến đường này thường xuyên ùn tắc khiến xe buýt nhanh không thể đi nhanh như kỳ vọng, dù đã được dành hẳn một làn đường riêng. Nguyên nhân chính do phương tiện cá nhân tràn vào làn BRT. Trước thực trạng này nhiều ý kiến cho rằng nếu tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội không hiệu quả thì nên dẹp sớm bởi việc “một mình một đường” chỉ làm giao thông thêm ùn tắc.

Theo anh Hồ Sỹ Cầm (Hà Đông, Hà Nội), cần đánh giá lại việc có nên duy trì dành đường ưu tiên cho BRT hay không, bởi các tuyến đường buýt nhanh đi qua rất hẹp, phương tiện cá nhân ùn tắc đứng chờ xếp hàng dài. Giờ cao điểm xe máy chiếm hết phần đường BRT nên buýt nhanh hoạt động không hiệu quả, trong khi ôtô lấn làn là bị phạt ngay.

Nhiều ý kiến cho rằng, BRT hoạt động không hiệu quả là điều không ai mong muốn. Đối với một dự án thử nghiệm đúng là cần có thời gian để đánh giá, tuy nhiên với tuyến BRT 01 Hà Nội hoạt động 4-5 năm không hiệu quả (hoặc hiệu quả thấp) thì cần phải có giải pháp để bố trí lại cho phù hợp. Do đó, Thành phố Hà Nội cần có đánh giá và đưa ra giải pháp xử lý bất cập của BRT. Theo đó có thể nghiên cứu bỏ làn ưu tiên BRT, bố trí buýt nhanh hoạt động như buýt thường. Đồng thời nên phân làn cho ôtô và xe máy riêng biệt để thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

BRT là một hình thức giao thông công cộng tiên tiến, tiêu chuẩn cao hơn buýt thông thường và đã hoạt động rất thành công ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Ecuador, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản… Với vai trò là phương tiện công cộng chủ chốt, BRT cũng được bố trí làn ưu tiên, nhưng phù hợp với đường rộng (ít nhất 4 làn), trên đường không có nhiều phương tiện cá nhân như Việt Nam nên hoạt động rất hiệu quả. Còn ở Việt Nam đường hẹp, giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại hằng ngày, người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân là chủ yếu nên việc dành đường ưu tiên cho buýt nhanh không thể đem lại hiệu quả như kỳ vọng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho rằng, tuyến BRT 01 chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng do đường nhỏ trong khi BRT chiếm mất diện tích phần lớn của đường, khiến phương tiện phải đi tránh và buýt nhanh nhưng lại không thể nhanh nên rất lãng phí.  

Cần đẩy mạnh biện pháp hạn chế xe cá nhân

Theo TS Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia - BRT 01 đang đạt khoảng 1.000 hành khách/làn/giờ cao điểm, chỉ nhỉnh hơn một làn ôtô trong đô thị, nhưng chỉ bằng một nửa khi khai thác bằng xe máy. Nếu để tuyến BRT như hiện nay, nó chỉ một loại xe buýt thường không hơn không kém. Do đó nhiều ý kiến cho rằng không nên duy trì như hiện nay, mà cần phải điều chỉnh như chuyển thành xe buýt thường. Đồng thời cần có lộ trình và hướng cụ thể để khắc phục những bất cập hiện nay đối với xe buýt nhanh về trung chuyển, về làn, về kết nối, về chia sẻ thông tin, về tích hợp thẻ… để khai thác hiệu quả tuyến BRT này.

Trao đổi với Báo Lao Động, TS Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông đô thị) cho rằng, trong bối cảnh đường đô thị của Hà Nội như hiện nay phương tiện vận tải khách công cộng không thể cạnh tranh với phương tiện cá nhân. Cùng đó, ý thức của người dân khi tham gia giao thông chưa cao, dẫn đến tình trạng giao thông lộn xộn, nhiều phương tiện đã đi vào là BRT khiến BRT không đạt được hiệu quả đề ra. Việc đảm bảo giao thông cho BRT không được triệt để, làm hạn chế tính thông thoáng và đúng giờ của BRT.

Cũng theo TS Phan Lê Bình, lực lượng CSGT cần thực hiện xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT. Hiện vào các khung giờ cao điểm, luôn thường trực việc ùn tắc tại các ngã tư, khiến buýt nhanh BRT không thể di chuyển được. Thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh giải pháp hạn chế xe cá nhân, thông qua việc hạn chế trông giữ xe tại nội đô, siết chặt quy định về kiểm tra, đánh thuế đối với khí thải ôtô, xe máy. Hay như việc xem xét hạn chế phương tiện cá nhân đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm cũng là hướng đi đúng. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên đánh giá hiệu quả phương tiện chỉ dựa trên việc BRT được ưu tiên làn riêng mà cần xét trên việc đây là loại phương tiện dành cho người không muốn hoặc không thể sử dụng xe cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn