MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng tăng sẽ là cơ hội để vực dậy phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: ĐT

Cần vực dậy giao thông công cộng

Đặng Tiến LDO | 16/03/2022 11:00

Giá xăng dầu tăng kỷ lục trong vòng 8 năm qua đã tác động sâu rộng đến thị trường và sức khoẻ của nền kinh tế, trong đó có cả thói quen sử dụng các phương tiện giao thông của người dân, đây có thể là cớ để giao thông công cộng lấy lại thị phần. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, muốn giao thông công cộng phát triển và thu hút được người dân tham gia, bắt buộc phải tăng khả năng kết nối,

Mạng lưới giao thông công cộng phủ khắp

Theo đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (thuộc Sở GTVT Hà Nội), từ 15.3.2022, tuyến buýt điện thứ 4 (tuyến E02) lộ trình từ Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park chính thức hoạt động. Giá vé thực hiện theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, cụ thể, giá vé lượt là 8.000 đồng/hành khách/lượt.

Giá vé tháng bán cho đối tượng ưu tiên bao gồm: Học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (không kể hệ đào tạo vừa học vừa làm), công nhân các khu công nghiệp: Vé đi 1 tuyến là 55.000 đồng/vé/tháng; vé đi liên tuyến là 100.000 đồng/vé/tháng. Trước đó, thành phố Hà Nội đã có 3 tuyến buýt điện, bao gồm: Tuyến E01 (Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park); tuyến E03 (Khu đô thị Ocean Park  - Bến xe Mỹ Đình); tuyến E05 (Long Biên - Khu đô thị Smart City).

Qua thống kê, hiện hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội bao gồm các loại hình xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), xe du lịch, xe tuyến cố định và các loại hình vận tải khác (xe ôm, xe ôm công nghệ, xe điện, xích lô, vận tải đường thủy nội địa,...).

Hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn hiện nay đang trong quá trình đầu tư xây dựng, trong đó tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành; tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - Ga Hà Nội dự đã hoàn thiện khoảng 60%, dự kiến đưa vào khai thác năm 2022.

Phấn đấu năm 2025, tỉ lệ đảm nhận của xe buýt từ 16% đến 18% tương ứng cần khoảng từ 4.000 đến 4.500 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ; Năm 2030, tỉ lệ đảm nhận của xe buýt phấn đấu đạt 25% tương ứng cần khoảng từ 6.700 đến 6.800 phương tiện sức chứa trung bình 60 chỗ.

Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia về giao thông đô thị Phan Lê Bình cho rằng, hiện Hà Nội và TPHCM đã trang bị phương tiện vận tải công cộng khá tốt. Mạng lưới xe buýt đã được phủ rộng khắp với tần suất đáp ứng được yêu cầu đi lại của người dân (10 đến 15 phút/chuyến) với mức giá được trợ giá. Mỗi năm nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền để trợ giá cho vận tải khách công cộng, cụ thể Hà Nội mỗi năm chi trên 1.500 tỉ đồng để hỗ trợ người dân đi lại bằng xe buýt.

Tuy nhiên theo ông Phan Lê Bình, hiện ngoài các tuyến buýt của Tổng Công ty vận tải Hà Nội thì các tuyến buýt khác chưa được kết nối với GPS nên người dân khó khăn khi tính toán thời gian di chuyển của xe.

Do đó, ngoài việc tuyên truyền người dân đi xe buýt và nâng cao chất lượng phục vụ, các cơ quan quản lý Nhà nước cần vận động cán bộ CNVC-LĐ sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển.

Phải đồng bộ hệ thống giao thông công cộng

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Ths Vũ Anh Tuấn - Giảng viên Khoa Vận tải - Kinh tế (Trường Đại học GTVT Hà Nội) cho rằng, phát triển giao thông công cộng là chủ trương lớn của cả nước không riêng gì Hà Nội hay TPHCM. Chủ trương này cũng đã được cụ thể hoá trong quy hoạch giao thông, ai cũng nhìn thấy vai trò của vận tải khách công cộng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa đạt được kỳ vọng và tỉ lệ đang có xu hướng giảm, từ năm 2010-2015 tỉ lệ đi lại bằng xe buýt của Hà Nội chỉ trên 12%.

Do đó, không phải giải pháp ngắn hạn, mang tính tức thời mà cần phải được đầu tư đồng bộ, phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương vì giao thông công cộng thu hồi vốn kéo dài và nhiều dự án đang phải trợ giá cũng như việc nhiều địa phương đang thực hiện miễn vé cho người cao tuổi để thu hút lượng khách đi xe buýt, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường… Yêu cầu này đòi hỏi “cuộc chiến” dài hơi nếu đầu tư nửa vời sẽ không thành công.

Theo Ths Vũ Anh Tuấn, muốn giao thông công cộng phát triển được, thu hút được người dân tham gia bắt buộc phải thay đổi từ tư duy đến phương án đầu tư, đặc biệt phải dành nguồn lực thực sự để phát triển. Đặc biệt là phải đầu tư hạ tầng phương tiện đảm bảo chất lượng, bởi hình ảnh của xe buýt đang chỉ là phương tiện dành cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi và người nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân đô thị.

“Muốn người dân tham gia giao thông công cộng cần phải xây dựng một hệ thống đồng bộ, gắn kết giữa các phương thức với nhau tạo thành một mạng lưới liên thông, cải thiện điều kiện đi lại cho người dân”, Ths Vũ Anh Tuấn cho hay.

Theo bà Lê Thị Thụ (trú tại phố Khâm Thiên, Đống Đa), hiện chất lượng phục phục vụ của xe buýt đã được nâng lên nhiều nhưng vẫn còn một số lái xe chạy nhanh, cua nhanh và phanh gấp, cùng đó vẫn có một số phụ xe nói năng chưa đúng mực với khách…

Do đó, để phát triển giao thông công cộng Sở GTVT Hà Nội cũng đã tổ chức lại giao thông với việc phát triển thêm các tuyến buýt kết nối với tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông và cho phép các tuyến buýt trở lại hoạt động bình thường.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, hiện thành phố đã thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (2A). Tổng cộng 55 tuyến buýt trợ giá hoạt động bao gồm cả kết nối dọc và kết nối ngang với đường sắt đô thị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn