MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường một vụ chặt phá rừng tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hữu Long

Cần xử lý tình trạng di dân tự do và các vụ án phá rừng

Hữu Long - Vũ Long LDO | 23/06/2020 10:00

Nhiều năm qua, tình trạng xâm hại phá rừng, áp lực dân di cư tự do khiến rừng Tây Nguyên đang ngày một thu hẹp. Mặc dù chúng ta đã có nhiều cơ chế hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng, người dân, thế nhưng vẫn còn chưa đồng bộ, bất cập. Việc Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị có sự tham gia của 5 tỉnh Tây Nguyên được đánh giá là vô cùng quan trọng góp phần tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp. 

Hàng loạt bất cập trong công tác bảo vệ rừng

Ngày 22.6, tại Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) chủ trì hội nghị Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường khẳng định: Thời gian qua, địa phương đã tập trung chỉ đạo tốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng tuy vậy, độ che phủ còn thấp. Lý giải về độ che phủ thấp, Bí thư Bùi Văn Cường cho rằng, việc này xuất phát từ nguyên nhân đất đai màu mỡ. Chính vì thế nên dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất.

Đúng như nhận định của Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường. Áp lực dân di cư tự do là lớn, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở nhiều địa phương tại Tây Nguyên. Đơn cử như Đắk Lắk hiện vẫn còn hơn 4.100 hộ với khoảng 20.000 nhân khẩu còn sống trong rừng.

Ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Nông - dẫn chứng, việc gia tăng dân số, đặc biệt tăng dân số cơ học do tình trạng dân di cư tự do khó kiểm soát; dẫn đến áp lực lên rừng và đất rừng.

Để mất rừng không thể không truy trách nhiệm đối với chủ rừng và cả cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - thừa nhận một nơi chưa sâu sát, còn lơ là thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Chưa hết, có chính quyền, đơn vị chủ rừng chưa nắm rõ được ranh giới, diện tích rừng được giao quản lý, diện tích rừng bị mất.

Tại hội nghị, đại diện tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận hiệu quả tuyên tuyền, phổ biến pháp luật hiện còn chưa cao. Đáng nói, một bộ phận hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng chưa thực hiện đúng trách nhiệm của hộ nhận khoán… Để mất rừng nhưng có thực tế là việc trồng rừng thay thế không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; một số doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án đầu tư chậm tiến độ, để mất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật…

Truy trách nhiệm chính quyền địa phương để mất rừng

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đang bị suy giảm. Đến nay Tây Nguyên chỉ còn chưa đầy 46% độ che phủ rừng nhưng trên 70% là rừng nghèo, nghèo kiệt… Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn đánh giá hội nghị tại Đắk Lắk cũng sẽ tiếp tục các giải pháp thực hiện các quy định của pháp luật. Trước hết là Tây Nguyên phải bảo vệ được diện tích rừng hiện có.

“Để bảo vệ được diện tích này chúng ta phải đánh giá thực trạng, nguyên nhân và thống nhất hành động từ cơ sở và cả sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của trung ương. Các tỉnh Tây Nguyên phải xây dựng các đề án bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên cơ sở đề án mà Thủ tướng đã phê duyệt. Các đề án này phải gắn với chương trình phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030” -  Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn nói. 

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đề nghị Bộ NNPTNT thời gian tới cần tiếp tục chỉ đạo xây dựng lực lượng kiểm lâm ngày càng vững mạnh; tăng cường nguồn lực cho công tác phát triển, trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng; tăng cường phương tiện thiết bị như phương tiện bay để kiểm tra tình trạng phá rừng; tăng cường chế tài xử lý chủ rừng để mất rừng, cần có các chế tài cụ thể quy ra trách nhiệm đối với chủ rừng, chính quyền, cấp ủy địa phương. 

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đồng ý với ý kiến của các địa phương về việc xác định rõ trách nhiệm không chỉ của chủ rừng mà còn cả chính quyền địa phương. Liên quan đến các dự án tái định cư cho dân di cư tự do tại Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị những dự án đã được phê duyệt, bố trí kinh phí thì các tỉnh Tây Nguyên sớm triển khai khẩn trương; còn những dự án khác thì hoàn thiện hồ sơ…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên cần triển khai hiệu quả Đề án Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 theo Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 18.3.2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng di dân tự do, hạn chế người dân phá rừng lấy đất sản xuất, không để tạo ra “điểm nóng” và khiếu kiện đông người về tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp giữa người dân với các chủ rừng. Xây dựng phương án toàn diện về bảo vệ phát triển rừng, xác định rõ các vấn đề nổi cộm, các điểm nóng chặt phá rừng để xử lý triệt để, nghiêm minh, đúng trách nhiệm, đảm bảo hiệu lực pháp luật về lâm nghiệp.

Các địa phương phối hợp xử lý dứt điểm diện tích rừng bị chồng lấn giữa các tỉnh. Đẩy nhanh thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND xã đang quản lý, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng có chủ thực sự... 

*Năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên phát hiện và xử lý 1.309 vụ phá rừng, canh tác nương rẫy trái phép, diện tích rừng bị phá là 410,412ha; khai thác rừng trái pháp luật: 644 vụ; vi phạm về vận chuyển, mua, bán lâm sản trái pháp luật 2.120 vụ. Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên tiếp tục bị suy giảm: Năm 2019 giảm 15.753ha; tỉ lệ che phủ rừng đạt 45,92%, giảm 0,09% so với năm 2018 ( tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai).

*Tây Nguyên đặt mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu hécta, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,2%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn