MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vị trí và hướng đi của bão Tembin. Ảnh: NCHMF

Cảnh báo: Nếu vào đất liền ở cấp 12, bão số 16 ở mức rủi ro thiên tai cấp 4, thậm chí cấp 5

Khánh Vũ LDO | 23/12/2017 12:02
Đó là thông tin được ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương nêu ra  tại hội nghị ứng phó với bão số 16 tổ chức sáng nay (23.12) tại Hà Nội do Bộ trưởng Bộ NNPTNT-Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Sau khi vào biển Đông, bão liên tục mạnh lên, có khả năng cao nhất đạt mức cực đại của cơn bão khi vào phía Tây của quần đảo Trường Sa (khoảng giữa của đảo Palawan đến đất liền Việt Nam). Khi đó, bão có thể đạt cấp 11-12 và hướng đi chủ đạo của bão vẫn là hướng Tây, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Nam Bộ của Việt Nam.

Các đánh giá của các trung tâm lớn trên thế giới đều nhận định: Khi đổ bộ vào bờ, bão vẫn ở cấp 9-10, vùng ven bờ của Nam Bộ bão ở cấp 10-11. Dự báo, khoảng đêm 25.12, sáng 26.12 bão sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền của Nam Bộ.

Theo ông Hoàng Đức Cường, dự báo đêm nay (23.12) bão sẽ vào biển Đông với cấp 10-11 và liên tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, hướng trực tiếp đến khu vực vùng biển Nam Bộ từ Bà Rịa Vũng Tàu đến Cà Mau là nơi bão có thể ảnh hưởng trực tiếp.

Mặc dù đêm nay có đợt không khí lạnh tràn về, nhưng do đợt không khí lạnh yếu và lệch đông nên tác động đến quỹ đạo và cường độ của cơn bão không nhiều. Quỹ đạo của cơn bão có thể lệch Bắc hoặc lệch Nam hơn so với quỹ đạo đang dự báo và diễn biến còn có khả năng thay đổi cần tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, nhận định chung là bão di chuyển theo hướng Tây là chủ yếu.

Khi vào đến Trường Sa, bão sẽ đạt được cấp độ mạnh nhất là cấp 12 giật cấp 15. Khi vào đến đất liền thì có khả năng suy yếu hơn. Tuy nhiên, với tốc độ 20-25km/giờ, bão có thể “phi mã” từ Trường Sa vào đến đất liền trong thời gian chưa đến 1 ngày, trong khi đó, “với tốc độ 20-25km/giờ nên khả năng suy yếu của cơn bão không thực sự rõ ràng, chúng ta vẫn sẵn sàng ứng phó với phương án là khi cập bờ bão có thể vẫn ở cấp 10-11 hay ít nhất là cấp 9.

Như vậy, với cấp độ thiên tai ở mức cấp 4, Trung tâm DBKTTV Trung ương không loại trừ khả năng cấp độ thiên tai có thể xấu hơn nữa khi bão vào Trường Sa ở cấp 12, không có dấu hiệu suy yếu đi và nếu tiếp tục vào bờ với cấp 12 thì chúng ta phải nâng lên mức độ rủi ro thiên tai cấp 5” – ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.

Đây là trường hợp hợp hãn hữu, nếu 1 ngày nữa bão vào Trường Sa vẫn ở cấp 12 thì sẽ giữ nguyên tốc độ khi vào bờ. Hiện tại, chúng ta phải triển khai phương án ứng phó với cơn bão này ở mức cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 và sẵn sàng cho phương án rủi ro thiên tai ở cấp cao hơn.

Từ đêm nay (23.12) có đợt không khí lạnh yếu và lệch đông tràn xuống nước ta. Ngày 26-27.12 lại có đợt không khí lạnh tiếp theo rất mạnh sẽ ảnh hưởng vào nước ta cùng thời điểm cơn bão đổ bộ và đang ở đất liền. Do đó, gây mưa lớn ở khu vực Trung Bộ từ Quảng Bình đến Phú Yên, lượng mưa có thể từ 100-200mm trong vòng khoảng 3 ngày từ 26-29.12.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn