MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Phú Thọ với đặc thù địa hình bị chia cắt, mật độ sông, suối, hồ, đập dày đặc, nguy cơ đuối nước luôn hiện hữu trong mùa mưa lũ. Ảnh: Tô Công.

Cảnh báo nguy cơ đuối nước trong mùa mưa lũ ở Phú Thọ

Tô Công LDO | 07/09/2022 13:14
Phú Thọ - Với đặc thù địa hình bị chia cắt, mật độ hồ, sông, suối dày đặc, nguy cơ xảy ra đuối nước trên địa bàn tỉnh vào mùa mưa lũ luôn hiện hữu.

Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm

Những ngày đầu tháng 9, phóng viên Báo Lao Động có mặt tại sông Bứa đoạn qua địa bàn huyện Thanh Sơn. Ghi nhận tại đây, những dư âm còn lại của đợt mưa lũ do ảnh hưởng của Bão số 3 (Bão Maon) vẫn còn, dễ dàng nhận thấy mực nước đã dâng cao như thế nào thời điểm cách đây khoảng 10 ngày 

Tại con sông này, cách đây chỉ vài ngày, ngày 4.9, người dân tại khu 9, xã Tề Lê, huyện Tam Nông đã phát hiện thi thể một người đàn ông bị đuối nước tử vong trôi dạt vào bờ.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, đã xảy ra sự việc 3 nữ sinh lớp 6 bị đuối nước tại sông Dân, đoạn qua địa bàn xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn.

 Một cây cầu tại xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn ngập chìm trong dòng nước do mưa lũ ngày 21.8 vừa qua.

Theo tìm của của PV, riêng tháng 5.2022, trên địa bàn tỉnh đã đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 8 trẻ em tử vong tại các huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê và Lâm Thao.

Những vụ việc tử vong do đuối nước xảy ra gần đây trên địa bàn tỉnh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ đuối nước, nhất là đối với trẻ em, học sinh trong mùa mưa lũ này.

Cần có giải pháp thiết thực, đồng bộ

Ông Nguyễn Văn Lượng, người dân sinh sống bên bờ sông Bứa, đoạn qua khu Tam Sơn 2, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn chia sẻ với phóng viên: "Con sông Bứa là con sông chính chảy qua huyện Thanh Sơn, người dân sống dọc 2 bên sông rất đông. Một vài nơi có khung cảnh đẹp, rộng rãi, lớp trẻ thường ra chụp ảnh, vui chơi, đi tắm sông...".

Chỉ tay lên những dấu tích bùn đất, rác để lại sau đợt nước lũ dâng cao do ảnh hưởng của mưa lớn vừa qua, ông Lượng nói: "Dòng sông này bình thường trông nhỏ, hẹp, hiền hòa là vậy, nhưng cứ đến mùa mưa lũ là dâng lên rất nhanh, nước sông đục ngầu, chảy xiết, rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước".

Theo ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn, trên địa bàn huyện Thanh Sơn nói riêng và các huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ nói chung có địa hình phức tạp, chia cắt, độ dốc khá lớn, khi có mưa lớn nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước các sông, suối, hồ đập dâng lên rất nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

Mực nước tại sông Bứa đã lên tới 24,99m, trên báo động II là 0,49m vào lúc 8h ngày 26.8, tại Trạm thủy văn Thanh Sơn.

"Qua đó, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế tai nạn đuối nước có thể xảy ra trong mùa mưa lũ, người dân cần cẩn trọng, đảm bảo tuyệt đối an toàn khi đi qua các sông, suối, hồ, đập. Đồng thời không ra sông, suối đánh cá, vớt củi khi đang có mưa lũ" - ông Mạnh cho biết thêm.

Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh Phú Thọ thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo cũng như ban hành các văn bản về việc tăng cường các biện pháp nhằm phòng, chống tai nạn đuối nước, tăng cường công tác truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Tai nạn đuối nước chưa bao giờ là câu chuyện cũ, song song với việc tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ, để từng bước giảm thiểu tai nạn đuối nước xảy ra, cần tăng cường việc tổ chức dạy, học bơi cũng như phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là trong hệ thống các trường học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn