MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngư dân được cứu khi gặp tai nạn. Ảnh: VMRCC

Cảnh báo tàu cá hoạt động mùa mưa bão

Hiếu Anh LDO | 06/06/2023 19:12

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào mùa mưa bão. Do đó, các tàu cá hoạt động trên biển đối diện với nhiều nguy hiểm tiềm ẩn.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam - Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, vào mùa mưa bão, nhiều vụ tai nạn xảy ra một cách đáng tiếc đối với ngư dân.

Hiện nay, do thiếu nhân lực đi biển, nên nhiều chủ tàu tìm các lao động ở vùng nông thôn, miền núi thuê về để lao động trên các tàu cá.

Nhiều người đi biển nhưng không được trang bị kiến thức gì về sự rủi ro, khó khăn khi đánh bắt thủy hải sản. Nhiều người đi biển nhưng không hề biết bơi, không quen mang áo phao. Có trường hợp ngồi trên tàu cầm điện thoại đọc Facebook rồi ngủ gục rơi xuống biển mất tích.

Theo thống kê, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, trong năm 2022, đơn vị này đã xử lý 29 vụ việc liên quan đến ngư dân trên tàu cá bị thương do tai nạn lao động hoặc bị bệnh khi đang lao động trên biển. Đồng thời trung tâm đã xử lý 88 vụ việc liên quan đến trường hợp người dân bị rơi xuống biển mất tích trong quá trình làm việc.

Đánh giá về vấn đề này, trước hết, khách quan mà nói thì không chỉ có ở Việt Nam, mà tại các quốc gia phát triển như Mỹ hay các nước châu Âu, là những khu vực có hệ thống quản lý hoạt động thủy sản hết sức chặt chẽ, thì nghề đánh cá luôn nằm ở vị trí đầu bảng trong danh sách các nghề nghiệp rủi ro nhất căn cứ theo số lượng lao động bị thương, tử vong, mất tích hàng năm. Điều này vốn nằm ở các yếu tố rủi ro tự nhiên gắn liền theo tính chất công việc của họ.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, trong năm 2022, Trung tâm đã thu nhận và xử lý 241 vụ việc tìm kiếm cứu nạn trên biển, trong đó có 179 vụ việc liên quan đến tàu cá, chiếm 74,3% tổng số vụ việc cứu nạn. Tuy vậy, theo thống kê, đã có 138 người chết và mất tích cùng với 38 phương tiện bị hư hỏng, chìm đắm trong các vụ tai nạn trên biển.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cứu ngư dân gặp tai nạn trên biển. Ảnh: VMRCC

Nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá, ông Vũ Việt Hùng khuyến cáo, ngư dân cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất cho một chuyến đi biển an toàn để khi gặp những tình huống xấu xảy ra, ngư dân có thể tự ứng phó trước khi chờ lực lượng chức năng hoặc những tàu thuyền khác hoạt động trong khu vực trợ giúp.

Khi có áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc tin thời tiết nguy hiểm trên biển, các tàu phải thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc thời tiết nguy hiểm trên biển qua các phương tiện thông tin và hệ thống thông tin có trên tàu.

Hiện nay, các hệ thống trực canh thông tin liên lạc từ bờ của các Đài thông tin duyên hải, Bộ đội biên phòng, các địa phương luôn sẵn sàng thường trực 24/24h. Các tàu cá có thể liên lạc trực tiếp đến các hệ thống này để được hướng dẫn tránh trú khi gặp hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển.

Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Khai thác Thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết khó lường, tình hình an ninh trật tự trên biển còn diễn biến phức tạp, cùng với cảnh báo thẻ vàng của EC, chúng ta cần quan tâm đảm bảo an toàn cho tàu cá, trang bị kiến thức phòng, chống thiên tai trước khi ra khơi, đặc biệt cần tuân thủ các quy định nhà nước như đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác, hoạt động đúng các vùng biển được cấp phép. Tổ chức theo các tổ đội để hỗ trợ nhau sản xuất an toàn và hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn