MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngày cận Tết, các siêu thị lớn luôn đông kín khách hàng mua sắm. Ảnh: Nhật Minh

Cảnh đối lập tại siêu thị và chợ truyền thống những ngày cận Tết ở Hà Nội

Nhật Minh LDO | 07/02/2024 17:16

Những ngày cận Tết, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội luôn trong tình trạng đông kín khách, người dân phải xếp hàng dài chờ thanh toán. Trong khi đó, các chợ truyền thống vẫn tiếp diễn cảnh vắng vẻ.

Thở phào nhẹ nhõm sau khi xếp hàng hơn 20 phút đợi thanh toán, chị Trần Trang Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết đã tranh thủ đi siêu thị từ sáng sớm nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng đông đúc. Nhiều năm trở lại đây, chị Trang Anh luôn lựa chọn mua sắm tại siêu thị thay vì mua tại chợ truyền thống như trước.

“Mặt hàng ở siêu thị thường có giá thành ổn định, không phải mặc cả và còn áp dụng nhiều ưu đãi nên mình thường xuyên tới mua” - chị Trang Anh nói.

Do công việc bận rộn nên năm nay, chị Nguyễn Thu Trà (Cầu Giấy, Hà Nội) đã lựa chọn mua sắm tại siêu thị để tiết kiệm thời gian.

“Các sản phẩm ở siêu thị đều có đa dạng mẫu mã, chủng loại và được bố trí theo khu vực nên rất thuận tiện, không tốn thời gian tìm kiếm cho người mua” - chị Trà cho hay.

Theo ghi nhận của Báo Lao Động ngày 7.2, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đang áp dụng các ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút người mua sắm. Những siêu thị này luôn trong tình trạng đông đúc, tấp nập, thậm chí là quá tải khách hàng.

Các siêu thị, trung tâm thương mại lớn luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải khách hàng. Ảnh: Nhật Minh

Mới 9h sáng nhưng tại siêu thị Big C Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đông kín khách tại các quầy thanh toán. Những khu vực bánh kẹo, hoa quả và thực phẩm Tết là nơi thu hút được nhiều người dân nhất.

Mới 9h sáng nhưng các quầy thu ngân đã đông người xếp hàng. Ảnh: Nhật Minh
Khu vực hoa quả thu hút được nhiều người mua sắm. Ảnh: Nhật Minh

Với nhu cầu mua sắm của khách hàng, hơn 20 quầy thu ngân phải làm việc liên tục hết năng suất. Thậm chí siêu thị này cũng tăng thời gian hoạt động so với bình thường để phục vụ người dân.

Trong khi đó, nhiều chợ truyền thống từng là nơi buôn bán nhộn nhịp, giờ đây lại chịu chung cảnh ảm đạm, thưa khách. Nằm ở nút giao phố Huế - Trần Xuân Soạn - Trần Nhân Tông, vị trí được coi là đắc địa nhưng chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng khách.

Khu vực bán hoa quả tại chợ chỉ có lác đác vài người. Ảnh: Nhật Minh
Khung cảnh ảm đạm, vắng vẻ tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Nhật Minh

Vì buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương đã không duy trì được cửa hàng, buộc phải đóng cửa kiốt. Hàng loạt mặt bằng đóng cửa dài ngày nhưng vẫn không có ai thuê.

Hàng loạt kiốt đóng cửa chờ người thuê tại chợ Hôm. Ảnh: Nhật Minh

Một nữ tiểu thương bán quần áo tại chợ Hôm cho biết, nơi đây từng là tụ điểm buôn bán nhộn nhịp, tấp nập. Nhưng sau đại dịch Covid-19, việc buôn bán ngày càng khó khăn, vất vả.

“Sau dịch, chợ ngày một thưa thớt, đến năm nay thì lượng khách giảm hẳn. Gần Tết nên tôi chỉ dọn hàng ra bán được đồng nào hay đồng đó” - nữ tiểu thương này nói.

Những cửa hàng giày tại chợ Hôm vắng bóng khách hàng. Ảnh: Nhật Minh

Nữ tiểu thương cho biết, có vài cửa hàng đã nghỉ sớm đón Tết vì tình hình buôn bán không mấy khả quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn