MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cảnh giác - chủ động phòng ngừa từ đợt mưa lớn ở khu vực đập Tam Hiệp

Mai Hoàng - Huy Minh LDO | 10/07/2020 19:58

Một vấn đề nóng được người dân rất quan tâm trong những ngày qua, đó là tình hình mưa lớn ở các tỉnh miền Trung và miền Nam của Trung Quốc, gây áp lực xả lũ đối với Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn bậc nhất thế giới nằm trên dòng chính sông Trường Giang. Con sông lớn trải dài khắp lục địa Trung Quốc này đi qua địa phận 9 tỉnh thành phố, bắt nguồn từ tỉnh Tứ Xuyên và điểm cuối là thành phố Thượng Hải. Liệu đợt mưa lớn tại Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không?

Lũ lụt do mây Front Mei-yu

Mưa lớn, liên tục đã diễn ra trong vòng 1 tháng qua đã gây ngập lụt trên diện rộng cho nhiều tỉnh thành của Trung Quốc. Các nhà khoa học đã theo dõi sát tình hình và cho rằng đó là do tác động của một dải mây Front, gọi là Front Mei-yu. Đây được xem là nguyên nhân gây ra mưa lớn cùng lũ lụt ở Nam Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) trong tháng 5, tháng 6 và Nhật Bản trong tháng 6, tháng 7.

Mây Front Mei-yu được hình thành như thế nào? Khi gió mùa hè Đông Á phát triển lên phía bắc từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 hàng năm, thường có thời tiết mưa liên tục ở thung lũng Giang Hoài nằm giữa Nghi Xương từ vĩ tuyến 28 độ Vĩ Bắc đến 34 độ Vĩ Bắc ở phía đông Trung Quốc. Vì đây là mùa mận ở Trung Quốc, nên lượng mưa trong giai đoạn này được gọi là Thời kỳ mưa mận (Mei-yu). Vành đai mưa Mei-yu kéo dài về phía đông hàng nghìn km từ lưu vực sông Dương Tử ở Trung Quốc đến phía Nam Nhật Bản. Mây Front Mei-yu là một hình thế gây mưa lớn và kéo dài điển hình ở Trung Quốc và Nam Nhật Bản, đôi khi ở Hàn Quốc cũng xảy ra. Ở Nhật Bản, hệ thống Mei-yu này có tên gọi là Bai-u, ở Hàn Quốc có tên gọi là Changma.

Mây Front Mei-yu có hình thành thường xuyên? Khi gió mùa mùa hè (gió mùa Tây Nam) tiến triển, những vành đai mưa này xuất hiện đầu tiên ở Đài Loan (Trung Quốc), miền nam Trung Quốc và khu vực Okinawa của Nhật Bản trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6, sau đó tiếp tục hướng tới thung lũng sông Dương Tử và các đảo chính của Nhật Bản từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7 và cuối cùng đến Bán đảo Triều Tiên và đông bắc Trung Quốc trong khoảng thời gian từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8. Quá trình tiến triển về phía Bắc của vành đai mưa này xảy ra song song với sự tiến triển theo mùa của gió mùa hè Đông Á. Đây không phải là hiện tượng bất thường về thời tiết.

Mây Front Mei-yu khi hình thành thường gây ra những hiện tượng thời tiết như thế nào? Trong thời kỳ Mei-yu, lũ lụt dễ xảy ra ở giữa và hạ lưu sông Dương Tử do lượng mưa lớn và kéo dài. Trong quá khứ, mưa lớn từ hệ thống Mei-yu đã gây lũ lụt nghiêm trọng xảy ra vào năm 1954, 1991, 1998, 1999, 2003 và 2016 gây thiệt hại kinh tế lớn ở Trung Quốc. Thời kỳ mưa Mei-yu năm 2020 đang gây ra lũ lụt nghiêm trọng cho miền Trung và Nam Trung Quốc từ đầu tháng 6.2020 đến nay. Những ngày đầu tháng 7.2020, ở Nam Nhật Bản đang xảy ra mưa lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Front Mei-yu là một hệ thống thời tiết điển hình, xuất hiện vào thời kỳ gió mùa mùa hè phát triển ở Trung Quốc (tháng 5 đến tháng 7). Đây là hệ thống quy mô sy-nốp (quy mô hàng nghìn km), có thể dự báo, cảnh báo được thời gian, địa điểm xuất hiện cũng như quá trình suy yếu. Tuy nhiên, việc dự báo được cực trị mưa trong hệ thống thời tiết này nói chung và bất kỳ hệ thống thời tiết nào khác vẫn là một thách thức lớn nhất cho các nhà dự báo khí tượng trên thế giới.

Có ảnh hưởng đến Việt Nam không?

Mei-yu là tên gọi của một hình thế gây mưa điển hình ở Trung Quốc, quá trình diễn tiến thường từ phía Nam Trung Quốc dịch lên phía Bắc. Về bản chất, đây là sự hội tụ của hai đới gió đông bắc và tây nam. Ở Việt Nam cũng có những giai đoạn tồn tại các hình thế thời tiết gây mưa lớn kéo dài nhưng với tên gọi khác như hệ thống rãnh gió mùa hay dải hội tụ nhiệt đới. Đây là các dạng hình thế thời tiết điển hình gây mưa lớn thường xảy ra ở miền Bắc Việt Nam vào khoảng tháng 8, tháng 9.

Theo số liệu thực tế cho thấy hình thái mưa lớn trong một thời gian ngắn, ở những khu vực nhỏ đã gây nên những trận lũ lớn và đặc biệt lớn. Với những diễn biến thời tiết biến động như hiện nay và tình hình mưa, lũ đã đang xảy ra ở Trung Quốc hay Nhật Bản cho thấy tính chất phức tạp của mùa mưa lũ năm nay không chỉ diễn ra ở khu vực Bắc Bộ mà trên phạm vi toàn quốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện lũ lớn là luôn tiềm ẩn.

Hơn lúc nào hết người dân và các cấp chính quyền địa phương, Trung ương hay các bộ, ngành cần có sự chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cho phù hợp với đặc điểm địa lý, địa hình và đời sống bản địa của địa phương mình, theo dõi cập nhật thông tin dự báo thường xuyên và sẵn sàng mọi phương án 4 tại chỗ ngay từ các thôn, bản làng xã đến các huyện, tỉnh để sẵn sàng ứng phó khi bị cô lập trước thiên tai về nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn