MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đồng bào vùng cao bị lừa sang Campuchia để làm việc và phải mất nhiều tiền để chuộc về Việt Nam. Ảnh: V.Đ

Cảnh giác thủ đoạn dụ dỗ người Việt ra nước ngoài với chiêu trò "việc nhẹ lương cao"

Văn Đức LDO | 26/07/2022 07:22

Nhiều người dân tại vùng cao khu vực miền núi phía Bắc bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo sang làm việc tại Campuchia với lời hứa việc nhẹ, lương cao, rồi sau đó sử dụng các chiêu trò, yêu cầu người nhà gửi số tiền rất lớn để chuộc về.  

Tràn lan thông tin “việc nhẹ, lương cao”

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, để tìm được mối sang Campuchia làm việc không khó, cách đơn giản nhất là mạng xã hội, chỉ cần đăng dòng câu hỏi "Muốn được sang làm việc ở Campuchia" có thể dễ dàng tìm được người giới thiệu với những lời mời chào “việc nhẹ, lương cao”.

Trong vai người có nhu cầu xin việc làm, PV truy cập vào 1 nhóm “Việc làm Campuchia”, ngay lập tức đã có hàng chục người vào mời chào riêng để hỏi nhu cầu.

Qua trao đổi riêng, các đối tượng này thường bắt đầu mồi chào ngay từ đầu như: "Bên mình lương 2 tháng đầu là 21 triệu 250 nghìn đồng; Ăn ở tại Cty, Cty mình bao; Phòng sạch sẽ và có đầy đủ tiện nghi…".

Theo chia sẻ của những người mời chào trên mạng xã hội, về việc chi phí sang Campuchia, phía họ sẵn sàng chi trả đầy đủ cho từng giai đoạn. Đi đến đâu chi trả đến đó.

Hợp đồng miệng và công việc lừa đảo

Trung tá Sùng A Dính - Trưởng Công an xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết: "Theo thống kê, toàn xã có khoảng 82 trường hợp đi lao động tại Campuchia, 7 trường hợp đã quay về còn 75 trường hợp vẫn đang làm việc ở đó".

Vị trung tá này cho biết thêm, mới đây, T.V.C (SN 2003, dân tộc Dao, xã Quang Kim) đã cùng 8 - 9 người khác ở huyện Bát Xát sang Campuchia làm nhưng vừa trốn về trong tháng 5.

Trao đổi với PV, em C cho biết, công việc chủ yếu bên Campuchia là tại quán net và gửi tin nhắn mời người vào chơi game, sau đó hướng dẫn họ cách nộp tiền vào tài khoản ngân hàng để rút tiền ra nếu thắng.

Sau 2 tháng làm việc tại đây, thấy công việc chủ yếu là lừa người Việt Nam tham gia vào các trò chơi game phi pháp và mất tiền nên C đã tìm đường trốn về nhà.

Mất nhiều tiền để được về nhà

Vẫn chưa hết sợ hãi trong quãng thời gian ở Campuchia, anh Nguyễn Văn C (ở xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) tâm sự: "Ban đầu họ bảo đi làm cổng game lành mạnh, tuy nhiên khi sang đó là làm app lừa đảo để lừa người Việt Nam sang đó làm việc. Mỗi tháng phải thu về cho app 500 - 1 tỉ đồng, nếu không hoàn thành thì sẽ bị bán sang Cty khác".

Anh C chia sẻ thêm, khi sang các Cty khác, nếu muốn về phải gọi điện cho người nhà để chuộc người, nếu không có tiền sẽ bị bán sang đảo khác, có nhiều người thậm chí đã không thể trở về. Nhiều người bỏ trốn bị bắt lại đã bị tra tấn một cách rất dã man.

Cũng giống trường hợp anh C, hai vợ chồng chị Vương Thị X (ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) nghe theo lời dụ dỗ với mức lương hậu hĩnh, việc nhẹ lương cao để sang Campuchia làm việc. Đến giờ khi đã được về Việt Nam, nhưng gia đình cũng phải đi vay mượn số tiền gần 250 triệu đồng để chuộc về.

Chị X tâm sự: "Hai vợ chồng áp lực quá xin về, nhưng chủ không cho về, muốn về phải có tiền chuộc, nếu không có bị bán sang đảo khác bị đánh đập, đe dọa sẽ giết chết".

Thượng tá Hoàng Kim Thanh - Phó Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Yên Bái - cho biết: "Khi sang Campuchia, các nạn nhân không giống như lời giới thiệu của các đối tượng môi giới và họ bị ép làm công việc lừa đảo qua mạng, nếu muốn trở về Việt Nam thì phải liên hệ với gia đình và nộp vào số tiền rất lớn".

Đường về còn gian nan

Không may mắn như những trường hợp trên, nhiều người Việt Nam khi đi sang tới Campuchia rồi bị mắc kẹt chưa thể trở về.

Người thân của em Đ.V.T (dân tộc Dao ở thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) nói: "Ở bên đó, nó suốt ngày nhắn về hỏi vay tiền. Lúc đầu, nó nói để về chỉ mất 10 triệu đồng thôi, vì đi chui đóng mỗi bên 5 triệu đồng nhưng hôm sau lại nhắn không về được. Nó bảo càng ngày doanh thu cộng dồn, cơ hội về là không thể".

Nói về vấn đề này, bà Đinh Thị Hưng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai - cho biết: "Từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa từng có bất kỳ đơn vị, doanh nghiệp nào đăng ký tuyển người lao động tại Lào Cai sang Campuchia làm việc".

Hiện, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, cảnh báo đến người lao động về hành vi, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo đưa người sang Campuchia làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn