MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hội nhóm nhận làm dịch vụ biên lai chuyển khoản giả với hàng chục nghìn thành viên đang nở rộ trên mạng xã hội. Ảnh: Thu Giang

Cảnh giác với thủ đoạn làm giả biên lai chuyển khoản

THU GIANG LDO | 19/01/2024 08:33

Thời gian qua, lợi dụng lòng tin của người dân, nhiều đối tượng đã liên tục quảng cáo rầm rộ về dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền của các ngân hàng thương mại khác nhau trên các nền tảng mạng xã hội để lừa đảo dịp cận Tết.

Lừa đảo tinh vi

Chia sẻ với PV Lao Động ngày 17.1, chị Nguyễn Thị Ngọc (kinh doanh quán tạp hóa tại chợ Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cách đây 3 ngày có một người khách đến quán mua thịt đông lạnh, đồ khô, nước ngọt với hóa đơn hơn 400.000 đồng. Sau khi chuyển khoản, người này có chụp lại cho chị xem biên lai chuyển khoản nhưng cuối ngày tài khoản của cửa hàng lại không nhận được tiền.

Theo hình ảnh chị Ngọc cung cấp, biên lai chuyển khoản của đối tượng lừa đảo dùng có giao diện giống hệt với ứng dụng của một ngân hàng, có đầy đủ nội dung chuyển khoản, kèm số tiền cần phải thanh toán, khó phân biệt thật giả.

"Lúc người này ra quầy thanh toán đã cho xem hóa đơn chuyển khoản thành công. Do lúc đó quán đông khách ra vào, nhiều người cũng chuyển khoản online nên tôi không kịp kiểm tra biến động số dư, đến cuối ngày thống kê số tiền lời lãi kinh doanh trong ngày thì mới phát hiện thiếu hụt khoản tiền nêu trên" - chị Ngọc nói.

Tìm hiểu của PV, trên mạng xã hội facebook gần đây liên tục xuất hiện hàng loạt các hội nhóm nhận làm dịch vụ biên lai chuyển khoản giả với hàng chục nghìn thành viên. Thậm chí, các đối tượng còn tạo lập một số website giả mạo, làm giả cả mã QR code để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Một người quảng cáo làm dịch vụ biên lai chuyển khoản giả có facebook tên Nhật Minh tư vấn, chỉ với 45.000 đồng/bill, các biên lai chuyển khoản giả mạo sẽ được chỉnh sửa rất cẩn thận, có giao diện giống 100%, nếu không kiểm tra biến động số dư sẽ khó phân biệt thật giả. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu, người này sẽ nhận làm dịch vụ biên lai chuyển khoản, biến động ngân hàng giả 24/24h.

Dịch vụ làm giả biên lai chuyển tiền được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội để lừa đảo dịp cận Tết.

Cảnh báo thủ đoạn làm giả biên lai chuyển khoản

Liên quan đến thủ đoạn này, ngày 16.1, Công an quận Cầu Giấy đã tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Thị Oanh (SN 1990, quận Hà Đông, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Cầu Giấy đã nhận được đơn trình báo của chị P.B.N về việc bị một đối tượng lừa đảo mua mỹ phẩm giá trị lên tới hơn 300 triệu đồng.

Công an quận Cầu Giấy cho biết, sau nhiều lần giao dịch, đối tượng Oanh nhận thấy cửa hàng không thường xuyên kiểm tra tài khoản nhận tiền mà chỉ cần khách gửi hình ảnh chuyển tiền thành công thì sẽ chuyển hàng nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Oanh mua các sim rác và đăng ký tài khoản zalo ảo có tên Nguyễn Trâm để liên lạc mua bán mỹ phẩm với chị P.B.N.

Oanh sử dụng máy tính cá nhân chỉnh sửa hình ảnh biên lai chuyển tiền thành công theo số tiền mà chị P.B.N yêu cầu để xác nhận. Nhận được hình ảnh chuyển tiền, chị P.B.N và nhân viên không kiểm tra xem tài khoản ngân hàng đã nhận được tiền chưa mà chuyển đơn hàng theo yêu cầu của khách. Sau đó, Oanh lấy số mỹ phẩm chiếm đoạt được bán lại cho nhiều người khác nhau để lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cuối tháng 12.2023 cũng cảnh báo về việc ngày càng nhiều các hội nhóm chuyên cung cấp dịch vụ làm biên lai chuyển khoản giả mạo nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tránh bị lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.

Cục An toàn Thông tin cảnh báo, với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được thông báo có tiền trong tài khoản ngay khi thực hiện chuyển khoản 24/7. Người tham gia giao dịch nên chờ thông báo đã nhận được tiền từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp giao diện chuyển tiền thành công...

Ông Nguyễn Minh Đức - chuyên gia an toàn mạng, CEO Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar - nhận định, việc tạo ra những bức ảnh chuyển khoản giả mạo không hề khó về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể làm giống 100%. Chuyên gia cho rằng, người dân cần cẩn thận kiểm tra tiền đã về tài khoản hay chưa thì mới chuyển hàng, tránh bị lừa đảo.

Người dùng chỉ nên kiểm tra giao dịch trên ứng dụng ngân hàng đang sử dụng, khi không thấy biến động số dư, tuyệt đối không kích vào các đường link, hay gọi điện theo những số điện thoại do các đối tượng lạ cung cấp. Vì đây có thể là những đường link giả mạo để đánh cắp thông tin tài khoản, từ đó chiếm đoạt toàn bộ tiền của người dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn