MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước ao, hồ được người dân lấy về để sử dụng. Ảnh: Anh Huy.

Cảnh khổ ăn bằng bát nhựa, lấy nước hồ xả toilet ở chung cư thiếu nước

ANH HUY LDO | 18/10/2023 11:01

Nước sinh hoạt bị mất ba, bốn ngày liền nên nhiều gia đình sống tại chung cư ở Khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) đã phải đến nhà bạn bè, thậm chí lên cơ quan để tắm giặt nhờ. Bi hài hơn, có nhiều gia đình đã phải đi lấy nước ao, hồ về để xả nhà vệ sinh…

Những ngày qua, khi toà chung cư bị mất nước sạch, cuộc sống của nhiều gia đình sinh sống tại tòa HH03A Khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã bị đảo lộn.

Từ việc sinh hoạt ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân… Mặc dù họ đã tiết kiệm hết mức nhưng thời gian nước sạch bị mất quá lâu khiến nước tích trữ không đủ đáp ứng.

Nhiều gia đình đã phải lên cơ quan hoặc sang nhà bạn bè để tắm giặt nhờ. Điều đáng nói, có những gia đã chuyển sang ăn bát nhựa, đũa sử dụng một lần. Nước dùng nhà vệ sinh phải đi lấy ở ao, hồ…

Anh Đỗ Lực (38 tuổi), ở toà HH03A Khu đô thị Thanh Hà cho biết, gia đình anh và hàng nghìn cư dân ở đây chưa bao giờ "khát" nước sạch đến như vậy. Bữa cơm tối của gia đình bắt đầu lúc gần 20h sau khi anh xuống sảnh chung cư hì hục xách từng xô nước sạch lên nhà ở tầng 4.

Cơm và đồ ăn đều được vợ chồng anh Lực đựng trong bát nhựa, đi kèm với đôi đũa loại chỉ dùng một lần, không cần rửa. Mỗi lần cầm bát cơm nhựa trên tay, anh Lực và vợ con không khỏi hụt hẫng cảm thấy chiếc bát trơn, dễ rơi nhưng không còn cách nào khác.

Anh Lực nói, dù biết bát nhựa một lần sẽ ảnh hưởng đến môi trường nhưng trong tình cảnh bị cắt nước dài hạn như hiện nay thì đây là giải pháp giúp gia đình anh tiết kiệm từng giọt nước.

Nhiều gia đình phải dùng bát nhựa, đĩa nhựa cho bữa cơm. Ảnh: Anh Huy.

Mấy ngày liên tiếp mất nước sinh hoạt đã làm đảo lộn cuộc sống của gia đình anh Lực. Cả gia đình anh đã phải sang nhà người thân ở tận Hà Đông để tắm giặt nhờ.

Còn gia đình bốn người của chị Nguyễn Thị Thanh (34 tuổi, tòa HH02B) để tiết kiệm nước đã thống nhất đi vệ sinh cùng một lúc, chỉ xả nước một lần.

"Đi làm về, hễ nghe tòa nào có nước, tôi lại mang xô đi xin. Cư dân các tòa nhà rất nhiệt tình hỗ trợ nhau trong lúc hoạn nạn này. Bên cạnh đi xin nước sạch, gia đình tôi cũng mua thêm nước đóng bình để dùng", chị Thanh nói.

Để tiết kiệm nước sạch nhiều hộ dân sống ở chung cư tại Khu đô thị Thanh Hà đã mang xô chậu ra ao, hồ lấy nước về xả nước nhà vệ sinh.

Nước ao, hồ được các hộ dân lấy về để xả nhà vệ sinh. Ảnh: Anh Huy.

"Không khổ gì bằng khổ mất nước sạch, cực chẳng đã chúng tôi mới phải ra hồ lấy nước về để xả nhà vệ sinh như thế này. Còn nước sạch lấy được từ xe cứu trợ mọi người trong gia đình đều sử dụng tiết kiệm nhất có thể", một người dân nói thêm.

Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan cũng đang khẩn trương tìm phương án để đưa nguồn nước sạch lại cho người dân.

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các công ty nước sạch trên địa bàn Hà Nội thông qua hệ thống cấp nước do Công ty nước sạch Hà Đông quản lý có trách nhiệm điều tiết nước ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà. Lượng nước điều tiết cung ứng cho người dân phải đảm bảo 2.000 m3/ngày đêm.

Về lâu dài, để đảm bảo nước ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà, Sở Xây dựng đề nghị đơn vị liên quan cải tạo trạm cấp nước cục bộ trong Khu đô thị này.

Ngoài ra, Sở Xây dựng còn đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra đột xuất chất lượng nước tại Khu đô thị Thanh Hà. UBND quận Hà Đông, huyện Thanh Oai cũng có trách nhiệm trong việc kiểm tra chất lượng nguồn nước khu đô thị này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn