MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng CSCĐ lập biên bản một trường hợp vi phạm giao thông. Ảnh: PV

Cảnh sát cơ động có được xử phạt ban ngày?

H.Nguyên LDO | 02/08/2019 11:00

Theo Kế hoạch 61 của Công an TP Hà Nội, lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được triển khai các tổ tuần tra ban ngày, nhằm xử lý các trường hợp vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy và kiểm tra hành chính.

"Ngoài tuần tra ban đêm, hiện tôi thấy ban ngày có rất nhiều lực lượng CSCĐ tham gia tuần tra, kiểm soát và xử lý phương tiện vi phạm tham gia giao thông trên đường phố vào ban ngày tại Hà Nội. Vậy có đúng quy định không? Lực lượng CSCĐ được xử phạt những lỗi nào?" - Lan Thanh - Tổ 1, phường Đoàn Kết, TP Lai Châu thắc mắc.

Tìm hiểu của phóng viên Lao Động tại Trung đoàn CSCĐ - Công an TP Hà Nội được biết, từ ngày 11.3.2019, Trung đoàn CSCĐ - Công an TP Hà Nội - đã triển khai các tổ tuần tra ban ngày, theo Kế hoạch số 61, nhằm xử lý các trường hợp vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy.

Bên cạnh đó, các tổ tuần tra còn kiểm tra hành chính, xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện lợi dụng hoạt động giao thông để phạm tội như vận chuyển pháo, vật liệu nổ; hàng lậu, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, tàng trữ trái phép chất ma túy; vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ... 

Điều 70 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về các lỗi vi phạm giao thông mà cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt. Trong đó, có một số lỗi cụ thể như sau:

Với người điều khiển ôtô:

- Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên: Phạt 100.000 đồng - 200.000 đồng;

- Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên: Phạt 600.000 đồng - 800.000 đồng;

- Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều: Phạt 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng.

- Lái xe sau khi uống rượu bia, có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định: Phạt 2 – 8 triệu đồng;

- Lái xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường: Phạt từ 7 – 8 triệu đồng

Với người điều khiển xe máy:

- Bấm còi trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ xe ưu tiên: Phạt từ 80.000 đồng – 100.000 đồng;

- Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ: Phạt 100.000 đồng – 200.000 đồng;

- Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không bật “xi nhan”: Phạt 300.00 đồng – 400.000 đồng;

- Lái xe khi đã uống rượu, bia, có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định: Phạt 1 – 4 triệu đồng;

- Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy: Phạt 2 – 3 triệu đồng…

Trên đây chỉ là một số lỗi vi phạm giao thông phổ biến mà cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt.

Theo quy định tại Điều 70 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, cảnh sát cơ động còn có thẩm quyền xử phạt với nhiều hành vi khác nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn