MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân giao nộp các cá thể động vật quý hiếm cho lực lượng Kiểm lâm. Ảnh: Kiểm lâm.

“Cánh tay nối dài” của những người giữ rừng

NGUYỄN TRI LDO | 01/05/2020 13:29
Những năm gần đây ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân Bình Định đã được nâng cao. Từ đó, người dân trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng kiểm lâm, giải cứu nhiều loài động vật quý hiếm từ quán nhậu, thợ săn.

Trước kia, các loài động vật hoang dã ở Bình Định liên tục “khốn đốn” bởi nạn săn bắt trái phép, số lượng các loài ngày một giảm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, người dân đã nâng cao nhận thức, tự nguyện giao nộp nhiều loài động vật hoang dã, những loài thú quý hiếm cho ngành chức năng.

Ngày càng có nhiều người tự ý thức giao nộp các loài quý hiếm săn, bẫy được hoặc bỏ tiền chuộc động vật hoang dã để giao nộp lại cho các lực lượng kiểm lâm.

Mới đây nhất, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã bàn giao 2 cá thể gồm: tê tê Java và voọc chà vá chân xám cho Đội Cứu hộ Nhanh của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW).

Theo đó, một cá thể tê tê Java (có tên khoa học Manis javanica, thuộc loài nguy cấp quý hiếm, nhóm IB) có trọng lượng 0,5kg; con non chưa xác định giới tính, được ông Huỳnh Nhật Trịnh (xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) tự nguyện giao nộp cho Hạt Kiểm lâm thị xã An Nhơn vào ngày 20.4.

Sau khi Hạt Kiểm lâm thị xã An Nhơn tiếp nhận, do không có sở vật chất, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, nên phải chuyển giao cơ sở có chức năng tiếp nhận động vật rừng đảm bảo việc cứu hộ, nuôi dưỡng theo quy định.

Ca thể tê tê Java, thuộc loài nguy cấp quý hiếm, nhóm IB, có trọng lượng 0,5kg. Ảnh: Kiểm lâm.

Chưa hết, Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) cũng tiếp nhận một cá thể voọc chà vá chân xám do ông Lê Văn Chuẩn (làng Suối Đá, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) tự nguyện giao nộp.

Cá thể voọc xám này (có tên khoa học Trachypithecus crepusculus, thuộc loài nguy cấp quý hiếm, nhóm IB) có trọng lượng 0,7kg; con non chưa tự ăn được, chỉ uống sữa.

Theo ông Chuẩn, cá thể voọc này ông xin được của một người dân đồng bào thiểu số tại làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) trong quá trình đi làm nương rẫy đã bắt được và muốn giao nộp cho cơ quan chức năng để cứu hộ.

Ông Lê Đức Sáu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, trong những năm gần đây, ngành kiểm lâm đã tổ chức tuyên truyền về động vật hoang dã, kết hợp với đó là công tác tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Qua đó, nhận thức của người dân về nuôi động vật hoang dã đã nâng cao. Nhiều người dân bỏ tiền chuộc các loài động vật quý hiếm để giao nộp.

“Năm ngoái có một số cá thể cu ly được giao nộp, còn đầu năm nay, người dân đã giao nộp khỉ mặt đỏ, hay mới đây nhất là một con voọc chà vá chân xám, một con tê tê” – ông Sáu cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn