MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao Bằng chưa thể khống chế hoàn toàn dịch tả lợn châu Phi trên đàn vật nuôi. Ảnh: Diệu Anh.

Cao Bằng gặp khó, chưa thể khống chế dịch tả lợn châu Phi

Tân Văn LDO | 18/11/2023 13:45

10 tháng đầu năm nay, dịch tả lợn châu Phi lây lan và gây nhiều thiệt hại trên địa bàn, hàng tấn thịt phải tiêu hủy.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 10, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh nổi cộm nhất đàn vật nuôi tỉnh Cao Bằng.

1.692 con lợn các loại của 406 hộ chăn nuôi/81 thôn, xóm của 31 xã/10 huyện, thành phố đã mắc bệnh, tổng trọng lượng phải tiêu hủy là 78.396 kg.

Tại Cao Bằng, việc chăn nuôi lợn chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình nên việc phòng dịch gặp rất nhiều khó khăn. Ở những thôn, bàn vùng cao, vùng biên giới ý thức phòng dịch của người dân chưa cao, các biện pháp phòng dịch chưa được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.

Vệ sinh chuồng trại giữ vai trò quan trọng để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Tân Văn.

Anh Vương Văn Quân (trú thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An) chia sẻ, gia đình có khoảng 20 con (cả lợn thịt chờ bán và lợn giống).

"Nhà tôi thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch nên lợn còn khoẻ chứ như những hộ khác nhiều nhà phải tiêu huỷ cả đàn vì lợn dính bệnh" - anh Quân nói.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Minh Đạt - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng - cho hay, đơn vị đã nhập vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, sẽ tổ chức tiêm ngay trong thời gian tới.

Nếu không tiêm phòng đầy đủ, việc dập hoàn toàn dịch khó thực hiện. Do đó, ngành đang nỗ lực tuyên truyền người chăn nuôi tiêm phòng vaccine, vệ sinh, khử trùng chuồng trại.

Một người dân đang dọn dẹp, khử trùng khu chăn nuôi. Ảnh: Tiến Mạnh.

Một số dịch bệnh khác như tụ huyết trùng trâu bò, Lepto lợn, bệnh Newcastle gà vẫn xảy ra rải rác tại một số địa phương. Riêng bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, tai xanh trên đàn lợn, cúm gia cầm đã được kiểm soát, không phát hiện ca bệnh mới.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời gian tới, nguy cơ các loại dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan vẫn còn cao, do tỉ lệ tiêm phòng vaccine đạt thấp. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, nhu cầu tiêu thụ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật những tháng cuối năm tăng cao cũng kéo theo nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Hiện, toàn tỉnh có 17 ổ dịch tả lợn châu Phi đã qua 21 ngày không có ca bệnh mới phát sinh; còn 12 ổ dịch chưa qua 21 ngày như xã Hưng Đạo, xã Vĩnh Quang, phương Hợp Giang (TP Cao Bằng), xã Cốc Pàng, xã Bảo Toàn (Bảo Lạc)...

Con số này so với năm 2022 đã giảm khoảng 54,66% (năm 2022 tổng chết và tiêu hủy 3.732 con lợn). Hiện, dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn, một số ổ dịch nhỏ lẻ vẫn xuất hiện.

Tỉnh miền núi Cao Bằng đang gặp khó trong việc khống chế hoàn toàn dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Tiến Mạnh.

Sở NNPTNT các tỉnh đưa ra khuyến cáo, ngành chuyên môn và các địa phương đang xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, thành lập các tổ công tác, đội phản ứng nhanh để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng tiêu diệt các tác nhân truyền bệnh tại khu vực chăn nuôi, bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn