MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao tốc Bắc Nam (Nghệ An). Ảnh CTV

Cao tốc Bắc Nam Diễn Châu - Bãi Vọt: Doanh nghiệp than khó đủ đường

Quỳnh Trang LDO | 04/04/2022 10:14

Khó khăn trong vay vốn tín dụng, dịch bệnh, lạm phát, thời tiết bất lợi và chậm trễ trong công tác bàn giao mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng cao… khiến việc thi công dự án cao tốc Bắc Nam đoạn qua Nghệ An (tiểu dự án Diễn Châu – Bãi Vọt) có nguy cơ chậm tiến độ.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 87,84km, bao gồm 2 Tiểu dự án: Tiểu dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và tiểu dự án Diễn Châu - Bãi Vọt. Trong đó, đối với tiểu dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, sau 1 năm khởi công, tính đến nay sản lượng thực hiện dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt mới chỉ đạt 1,81% giá trị hợp đồng, chậm so với kế hoạch.

Mới đây, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, theo báo cáo của nhà đầu tư, dự án khó có thể rút ngắn tiến độ.

Ngoài một số nguyên nhân chủ quan do yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp dự án; chậm trễ trong công tác lựa chọn nhà thầu; hay như việc các nhà thầu chậm trễ huy động nhân sự, máy móc, thiết bị; vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ các nguyên nhân khách quan.

Cao tốc Bắc Nam đang triển khai thi công. Ảnh CTV

Ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng cho biết, chính sách siết chặt tín dụng đối với các dự án theo hình thức PPP khiến thời gian doanh nghiệp vay vốn kéo dài. Hiện các ngân hàng cũng rất dè dặt trong việc thẩm tra và giải ngân vốn vay. Đây là tình trạng chung của các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Theo Nghị quyết của Quốc hội và các quyết định của Chính phủ, việc triển khai dự án để ngân hàng cấp vốn tín dụng phải tiến hành trong vòng 6 tháng, nhưng thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến dự án mất 3 tháng không thể thi công, gây khó khăn cho quá trình cấp vốn để thực hiện dự án.

Cùng với đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi tại nhiều địa phương vẫn chưa có mặt bằng sạch để thi công. Trong đó, huyện Diễn Châu đến ngày 24.3 vẫn còn 17 hộ dân có đất nông nghiệp chưa bàn giao mặt bằng và 13 cột điện chưa được di dời, vướng rừng phòng hộ tại hầm chui Thần Vũ.

Tại huyện Hưng Nguyên, mặc dù báo cáo là chỉ còn duy nhất 1 hộ dân, nhưng thực tế huyện này còn vướng mắc tại 8 khu dân cư, 40 cột điện và 65 ngôi mộ chưa thể di dời.

Thêm vào đó, phương án tài chính của doanh nghiệp được lập từ giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, với mức chi phí dự phòng là 10%. Nhưng thực tế hiện nay, ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến cho giá nhiên liệu tăng gấp đôi, dẫn đến tất cả giá nguyên vật liệu đầu vào khác cũng tăng lên, như nhựa đường tăng 30%, thép tăng khoảng 40%, chi phí vận chuyển cũng tăng lên... Hệ quả, mức dự phòng trượt giá của doanh nghiệp không còn đúng với tình hình thực tế, phương án tài chính có nguy cơ bị vỡ.

Một khó khăn nữa của doanh nghiệp thi công dự án, đó là nguyên liệu đất đắp nền hiện nay đang còn thiếu. Theo tính toán, các doanh nghiệp sẽ phải huy động cho dự án khoảng 7 triệu m3 đất. Nhưng đến nay, doanh nghiệp mới chỉ huy động được hơn 4 triệu m3. Mặc dù thời gian tới dự kiến sẽ có thêm 2 triệu m3 từ các chính sách cho khai thác đặc thù của Chính phủ và địa phương, nhưng nguyên liệu này vẫn đang là nỗi lo không hề nhỏ của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, dịch bệnh kéo dài, thời tiết không thuận lợi càng đẩy doanh nghiệp vào thế khó khăn hơn về nguồn nhân lực, trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ thi công mà dự án đã đề ra. 

Với hàng loạt khó khăn bủa vây, liệu sắp tới nhà nước sẽ có  chính sách gì để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, nhanh chóng bàn giao đưa vào sử dụng. Đây cũng là bài toán đang cần lời giải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn