MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặt bằng thi công cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai mới đạt 6%. Ảnh: Hà Anh Chiến

Cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu đội vốn, giải phóng mặt bằng qua Đồng Nai vẫn tắc

HÀ ANH CHIẾN LDO | 12/09/2023 06:30

Dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (tổng mức đầu tư 17.829 tỉ đồng) đã được khởi công từ tháng 6.2023, nhưng đến nay vẫn đang tắc nghẽn giải phóng mặt bằng, đoạn qua tỉnh Đồng Nai mới bàn giao gần 6%. Trong khi đó, tổng mức đầu tư của toàn dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu dự kiến cũng tăng lên gần 3.700 tỉ đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu bàn giao 77% mặt bằng, Đồng Nai mới 6%

Theo Bộ GTVT, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu có chiều dài 53,7km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai (dài 34,2km) và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (dài 19,5km). Trong giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có 4 - 6 làn xe (tùy theo đoạn tuyến) với tổng vốn đầu tư 17.829 tỉ đồng.

Dự án này được chia thành 3 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Cả 3 đều đồng loạt khởi công vào ngày 18.6 vừa qua.

Hiện chỉ có dự án thành phần 3 (do tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư) đã bàn giao được 77,6% mặt bằng, 2 dự án còn lại đều trên địa bàn Đồng Nai có tỉ lệ bàn giao mặt bằng rất thấp. Cụ thể, dự án thành phần 2 mới chỉ được 5,82%, còn dự án thành phần 1 chưa bàn giao mặt bằng.

Bộ GTVT cho biết, nguyên nhân là do công tác kiểm đếm chậm, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được phê duyệt, vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch đất an ninh quốc phòng, chưa thống nhất về các khoản hỗ trợ với Tổng Công ty Caosu Đồng Nai.

Về nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để bàn giao cho chủ đầu tư, ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết: Khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, nhân sự thực hiện thiếu do Đồng Nai đang tập trung giải phóng mặt bằng nhiều dự án cùng lúc.

Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đội vốn gần 3.700 tỉ đồng
Theo Bộ GTVT, báo cáo từ 2 địa phương Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện chi phí giải phóng mặt bằng cả 3 dự án thành phần đều tăng, dự kiến tăng tổng cộng 3.674 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua. Trong đó, dự án thành phần 1 tăng 1.195 tỉ đồng, dự án thành phần 2 tăng 1.488 tỉ đồng và dự án thành phần 3 tăng 989 tỉ đồng.

Nguyên nhân đội vốn của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT - cho rằng, do ban đầu đơn vị tư vấn xác định giá đền bù, giải phóng mặt bằng như tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, khi địa phương phê duyệt được đơn giá đền bù thì giá đất đã thay đổi, dẫn đến chi phí bồi thường tăng lên.

Đồng Nai không chỉ tắc nghẽn giải phóng mặt bằng, việc triển khai các dự án tái định cư cũng gặp khó khăn.

Bộ GTVT cho biết, hiện nay các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án thành phần 1 và 2 qua tỉnh Đồng Nai chưa triển khai xây dựng làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng, vì vậy tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2023 là khó khả thi.

Để đáp ứng tiến độ, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải toả ở dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (của dự án sân bay Long Thành).
Dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai với chiều dài 34km. Đồng Nai phải thực hiện thu hồi diện tích đất gần 290ha của các tổ chức, cá nhân và khoảng 3.700 hộ tại 11 xã, phường thuộc TP Biên Hòa và huyện Long Thành, trong đó có hơn 1.500 hộ cần bố trí tái định cư.

Ông Lê Văn Tiếp - Chủ tịch UBND huyện Long Thành - cho biết: “Địa phương đã có chính sách tạm cư cho người dân có đất bị thu hồi để phục vụ dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu. Nếu chưa có đất tái định cư, địa phương sẽ hỗ trợ người dân tạm cư trong 5 tháng, mỗi tháng tiền thuê nhà/hộ là 3 triệu đồng. Qua 5 tháng, vẫn chưa có tái định cư sẽ tiếp tục gia hạn tạm cư”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn