MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu phí T2 trên quốc lộ 51 thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ảnh: Hà Anh Chiến

Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu qua Đồng Nai: Nguy cơ trượt tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư

HÀ ANH CHIẾN LDO | 27/03/2023 09:55

Theo Nghị quyết của Chính phủ, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các địa phương phải bàn giao 70% mặt bằng để khởi công vào ngày 30.6.2023, đồng thời lo bố trí tái định cư cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay so với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) thì 2 dự án thành phần ở tỉnh Đồng Nai đều chậm, nguy cơ trượt tiến độ.

Dự án gần 18.000 tỉ nối Đồng Nai với BRVT

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 6.2022, có tổng chiều dài hơn 50 km đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh BRVT, tổng mức đầu tư 17.829 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, quy mô giai đoạn 1 từ 4-6 làn xe. Trong đó UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 chiều dài 16 km; Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ quản dự án thành phần 2 với chiều dài 18 km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai và dự án thành phần 3 do UBND tỉnh BRVT thực hiện phần còn lại.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các địa phương đang phấn đấu đến ngày 30.6.2023 bàn giao 70% mặt bằng để khởi công theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, Đồng Nai hiện gặp nhiều khó khăn do số hộ tái định cư lớn (gần 2.500 hộ).

Theo đó, riêng đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 34 km, đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt đầu tư dự án thành phần 1 thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để khởi công.

Tuy nhiên, giữa tháng 2.2023, UBND tỉnh Đồng Nai mới giao Ban quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng. Do đó, nguy cơ khó hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng 70% để khởi công vào ngày 30.6.2023. 
Cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu giúp quốc lộ 51 giảm tình trạng kẹt xe. Ảnh: Hà Anh Chiến

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 2 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần 1 đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp - cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và dự án thành phần 2 đoạn từ cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đến hết địa phận tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên cả 2 dự án đều chậm tiến độ, tiến độ phê duyệt đầu tư dự án, cắm mốc ranh giới của Đồng Nai đều chậm hơn so với tỉnh BRVT. 

Ông Nguyễn Hồng Quế - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai - cho biết: Đơn vị mới nhận quyết định làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng vào 15.2.2023. Sau khi nhận được quyết định, đơn vị đã nhanh chóng lập hồ sơ đo đạc thu hồi đất và chuẩn bị ra thông báo thu hồi đất, sau đó sẽ giải ngân đất của các tổ chức nằm trong dự án. Tuy nhiên, mốc ngày 30.6 phải giải ngân 70% theo Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội là rất khó khăn.

Xin bố trí tái định cư ở khu tái định cư dự án sân bay Long Thành

Song song đó, các dự án tái định cư cho gần 2.500 hộ dân tại dự án này cũng khó khăn không kém vì không có sẵn khu tái định cư mà phải thu hồi đất để tiến hành xây dựng. Cụ thể: Để triển khai dự án, Đồng Nai phải thực hiện thu hồi diện tích đất gần 400 ha trên địa bàn TP Biên Hòa và huyện Long Thành. Theo thống kê của UBND tỉnh Đồng Nai, có hơn 2.900 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong đó gần 2.500 hộ thuộc diện phải bố trí tái định cư.

Trong đó, riêng huyện Long Thành có khoảng 1.400 hộ dân cần bố trí tái định cư. Đến nay, UBND huyện Long Thành đã khởi công dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại xã Long Đức. Đây là khu tái định cư đầu tiên phục vụ người dân dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, có quy mô diện tích gần 30 ha. Sau khi hoàn thành xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho gần 3.400 nhân khẩu, tương đương với khoảng 843 hộ dân. 

Còn TP Biên Hòa cũng đã chọn 2 vị trí đất làm khu tái định cư cho người dân, gồm khu 49 ha tại phường Phước Tân và khu đất gần 32 ha tại phường Tam Phước. Khi 2 khu tái định cư này hoàn thành sẽ có từ 2.500 - 3.000 lô đất bàn giao cho người dân. Không chỉ đủ bố trí tái định cư cho dự án đường cao tốc mà còn có dư suất tái định cư để dành cho các dự án khác.

Tuy nhiên, về tiến độ theo lãnh đạo TP Biên Hòa khu tái định cư tại Phước Tân toàn bộ là đất người dân, hiện nay sau khi tỉnh giao cho thành phố thì thành phố đã uỷ quyền Phòng quản lý đô thị lập quy hoạch 1/500. Khu thứ 2 ở Tam Phước gần 32 ha, lợi thế là đất công do Dofico quản lý, tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục thu hồi đất… Ngoài ra, TP Biên Hòa còn 500-600 lô tái định cư có sẵn, nhưng không nằm gần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mà nằm rải rác ở các phường Tân Hạnh, Bửu Hòa, Tân Biên, Tân Phong, Long Bình, Tân Hiệp, Bửu Long nên khó đáp ứng nhu cầu của người dân.

Do chưa có sẵn khu tái định cư nên việc bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng của tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị xem xét sử dụng khu tái định cư của dự án sân bay Long Thành (khoảng 1.000 lô) để bố trí tái định cư cho người dân dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. 

Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần, Bộ GTVT và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, còn tỉnh Đồng Nai lại phê duyệt chậm so với yêu cầu (theo Bộ GTVT, Đồng Nai chậm 85 ngày). Nguyên nhân do chậm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn