MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ùn ứ giao thông cục bộ tại cầu Rạch Miễu (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Thành Nhân

Cao tốc chưa hoàn thành đồng bộ, giao thông ở miền Tây vẫn còn điểm nghẽn

Thành Nhân LDO | 18/06/2023 18:02

Vào các dịp Tết, lễ thì giao thông từ TP HCM về Miền tây và ngược, xuất hiện một số điểm ùn ứ giao thông cục bộ. Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ liên kết giao thông với nhau dẫn đến điểm nghẽn.

Cao tốc chưa hoàn thành đồng bộ

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021, khu vực ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km.

Trục dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Đức Hòa (Long An) - Rạch Sỏi (Kiên Giang), dài khoảng 180 km, quy mô 6 làn xe và tuyến cao tốc TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài khoảng 150 km, quy mô 4 làn xe; tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài khoảng 212 km, quy mô 4 làn xe; tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài khoảng 188 km, quy mô 4 làn xe. Hiện nay đang đưa vào quy hoạch chưa khởi công thi công.

Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài khoảng 191 km, quy mô 6 làn xe, mới thực hiện khởi công vào ngày 17.6.2023.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công năm 2021, với chiều dài gần 23 km, quy mô giai đoạn hoàn thiện gồm 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Ngoài ra, Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài khoảng 110km, với tổng vốn đầu tư khoảng 27.500 tỉ đồng. Hiện đã khởi công vào ngày 1.1.2023. Còn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã đưa vào sử dụng lần lượt có chiều dài là hơn 51km, 61,9 km và 51 km.

Như vậy, đến nay, ngoài có 3 tuyến cao tốc đã đưa vào sử dụng gồm: Trung Lương - Mỹ Thuận, TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương và và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng chiều dài là khoảng 163,9 km còn có 3 tuyến cao tốc hiện đang triển khai thi công gồm tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, với tổng chiều dài khoảng 324 km.

Khi các tuyến cao tốc chưa hoàn thành, đồng bộ thì vào các dịp lễ, Tết thì dòng người từ các tỉnh miền Tây về TP Hồ Chí Minh và ngược lại gia tăng thì xuất hiện cảnh ùn ứ giao thông cục bộ tại các điểm như: cầu Rạch Miễu, Cầu Mỹ Thuận, ngã tư Lương Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang),…

Ùn ứ giao thông tại cầu Mỹ Thuận. Ảnh: Nam Long

Điểm nghẽn giao thông về miền Tây

TS Trần Hữu Hiệp, nhà nghiên cứu kinh tế ĐBSCL cho biết, nhìn tổng thể bản đồ giao thông đường bộ của TP.Hồ Chí Minh gắn kết với vùng ĐBSCL, trong thời gian qua đã nổi lên điểm sáng, các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang, các cây cầu đi qua các con sông lớn đã được hình thành trong quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, Đoạn cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành và thông xe.

Tuy nhiên, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 chưa hoàn thành đưa vào thông xe. Bên cạnh đó, dự án cầu Rạch Miễu 2 cũng đang thi công. Do đó, trong dịp lễ, Tết, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng nên đã xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ xảy ra tại cầu Mỹ Thuận và cầu Rạch Miễu.

TS Trần Hữu Hiệp cho hay, khi đã quy hoạch đầu tư mạng lưới đường bộ ở vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 thì cần phải đảm bảo tiến độ để kết nối đồng bộ. Bên cạnh các tuyến cao tốc là trục xương sống, các địa phương cũng cần quy hoạch đồng bộ các công trình giao thông của địa phương đấu nối vào thì sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn.

"Ngoài ra, khi đã tạo ra không gian mới thì các địa phương cần dựa trên quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL cụ thể hóa thành quy hoạch của từng địa phương. Trên cơ sở, đó sẽ hình thành các khu - cụm công nghiệp, khu đô thị mới để phát triển. Đồng thời, phát huy ý nghĩa hơn nữa khi kết hợp đa phương thức giao thông như: Giao thông đường thủy, đường biển, hàng không, đặc biệt là động bộ với hệ thống logistics thì sẽ tạo ra kỳ vọng mới đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030", TS Trần Hữu Hiệp chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn