MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không rào chắn, không mương thoát nước tại Km70 của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Đỗ Vạn

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Ngổn ngang những bất cập về công trình phụ trợ

ĐỖ VẠN LDO | 27/10/2018 08:30

Từ khi được thông xe, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan, ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống, sản xuất của các hộ gia đình dọc hành lang tuyến…

Đất ở, đất sản xuất bị ảnh hưởng...

Ngày 5.10 vừa qua, một cơn mưa đầu mùa bất chợt làm giải toả cơn nóng của thời tiết nhưng không thể hạ nhiệt được “cơn sốt” của tuyến cao tốc 34.000 tỉ đồng ở miền Trung. Sau trận mưa, hàng loạt vấn đề trên tuyến cao tốc nảy sinh...

Bên cạnh hiện tượng thấm giọt ở các cây cầu, hầm chui dân sinh, các đường ngang, đường gom cũng bị “căng nước” sau những trận mưa. Nhiều hộ dân còn rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi ngôi nhà bị treo lên cao hoặc tụt dưới sâu so với mặt đường thi công.

Tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam, hiện có 16 hộ dân đang phải “thấp thỏm” vì mỗi khi trời đổ mưa, một lượng đất đá, nước mưa sẽ tràn thẳng vào nhà các hộ dân này mà không có gì cản lại. Dọc hai bên tuyến cao tốc không hề có mương thoát nước.

Ngôi nhà của ông Hồ Văn Ngọc (57 tuổi, trú thôn Bích An) chỉ cách chân cao tốc khoảng 20m, mỗi khi trời mưa, nước từ trên tuyến cao tốc cứ thế giội thẳng vào bên hông rồi tràn vào nhà. “Cao tốc đã thông xe gần 2 tháng nhưng chưa thấy ai đến làm mương thoát nước dọc tuyến. Khi trời mưa xuống, gia đình tôi phải lấy một số quần áo cũ để ngăn không cho nước chảy vào nhà. Mùa mưa đang tới, tôi mong sao sớm có con mương thoát nước để thoát khỏi cảnh này” - ông Ngọc bức xúc.

Cũng tại thôn Bích An, một hầm chui dân sinh ở ngay Km70 đang khiến người dân sống trong cảnh lụt lội. Hầm chui này được đặt ngay dưới chân dốc và lại thấp hơn mặt đường. Vì thế, cứ sau mỗi trận mưa, nước ở tứ phía đổ về cộng thêm không có mương thoát, nơi đây biến thành hồ. Người dân cùng các em học sinh cứ thế bì bõm lội qua.

Bên cạnh những ảnh hưởng đến đất ở, một ghi nhận khác tại xã Tam Thái (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), các đoạn đường dân sinh nối giữa các thôn cũng bị các đơn vị thi công bỏ dở. Theo phản ánh của người dân, đây là các đoạn đường huyết mạch, phục vụ việc đi lại trong mùa mưa bão và cho vụ mùa sản xuất Đông - Xuân sắp tới.

Cần nhanh chóng giải quyết những tồn đọng

Ngày cao tốc được hoàn thành, nhiều hạng mục lộ rõ những bất cập mà theo chính quyền các địa phương và nhiều người dân sẽ gây ra những tác động không nhỏ tới sản xuất và việc đi lại sinh hoạt.

Một số hộ dân ở dọc tuyến cao tốc từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi phản ánh tiến độ thi công các hạng mục như rào chắn, đường ngang dân sinh, công tác đền bù… còn quá chậm. Đặc biệt là những hộ dân trên địa bàn hai xã Tam Thái và xã Tam Đại của huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Tại xã Tam Thái, hiện vẫn còn hơn 6.500m2 đất chưa được đền bù. Ngoài ra, hơn 3.000m2 đất sản xuất của người dân bị cô lập dẫn tới bỏ hoang do không có nước sản xuất và khoảng 7 hécta ruộng không thể lấy nước do cống cao tốc thấp hơn kênh dẫn.

Trước những bức xúc của người dân, đã không ít lần chính quyền từ xã đến huyện đề nghị với các nhà thầu trực tiếp thi công trên tuyến phối hợp giải quyết. Tuy nhiên, dù đã có nhiều biên bản làm việc được lập ra nhưng việc hợp tác của các nhà thầu lại thiếu trách nhiệm.

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh - cho biết, địa phương đã kiến nghị với BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để triển khai những điều có trong cam kết dự án, nhất là hệ thống thoát nước dọc hai bên tuyến.

“Tất cả tồn tại mà UBND huyện kiến nghị, đến nay các đơn vị thi công vẫn chưa báo lại với địa phương đã làm được những gì. Hiện nay, đường gom dân sinh, nứt nhà trên địa bàn huyện Phú Ninh giải quyết vẫn chưa hết…” - ông Đạo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn