MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông đã triển khai ngay các giải pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu theo quy định. Ảnh: Hữu Long

Cấp 1 vạn liều vaccine uốn ván - bạch hầu cho ổ dịch ở Đắk Nông

BẢO TRUNG LDO | 25/06/2020 11:05

Lực lượng chức năng vừa cấp 1 vạn liều vaccine uốn ván - bạch hầu cho người dân ở ổ dịch xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long (Đắk Nông) để họ chủ động phòng chống căn bệnh nguy hiểm này...

Ngày 25.6, ông Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho hay, đơn vị đã cấp 10.000 liều vaccine uốn ván - bạch hầu để chủ động phòng bệnh cho người dân trong khu vực xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long (Đắk Nông). Những liều vaccine này sẽ tiêm cho nhóm người từ 7 đến 40 tuổi.

Lực lượng y tế địa phương về cơ bản đã kiểm soát được tình hình ở ổ dịch này. Mỗi người dân sẽ được tiêm 2 liều để phòng bệnh. Việc cấp 10.000 liều vaccine đợt này mới chỉ là bước đầu của công tác phòng dịch. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các bên liên quan nỗ lực để dập tắt ổ ổ dịch này, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, ông Chiến thông tin.

Lực lượng chức năng Đắk Nông trước đó đã xác định có 7 trường hợp tiếp xúc gần với người dương tính do nhiễm vi khuẩn bạch hầu tại khu vực kể trên.

Cụ thể, 3 trường hợp có dấu hiệu lâm sàng đang được cách ly, theo dõi tại Trạm y tế xã Quảng Hòa; 4 trường hợp đang tự cách ly, theo dõi tại nhà. Một bệnh nhi 9 tuổi ở khu vực này cũng đã tử vong sau khi dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Được biết, bạch hầu là một loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Đây là bệnh có khả năng lây lan cao qua đường hô hấp hoặc gián tiếp có tiếp xúc với vi khuẩn. Người mắc bệnh bạch hầu thường có các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, viêm thanh quản, khàn giọng, xuất hiện hạch nổi dưới hàm.

Bệnh có thể biến chứng thành viêm phổi, suy tim và có thể khiến bệnh nhân tử vong trong vòng 6-10 ngày nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời. Người mắc bệnh có tỉ lệ tử vong khoảng 5-10% và có thể cao hơn với trẻ em dưới 15 tuổi.

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để phòng loại bệnh này. Vì vậy, cách phòng tránh bệnh tốt nhất là phải cho trẻ đi tiêm vắc xin để phòng tránh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn