MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phun tiêu trùng, khử độc tại Bệnh viện Bạch Mai tối 28.3. Ảnh: PV

Cấp bách chống lây nhiễm, bảo vệ ở mức cao nhất cho các cơ sở y tế

thuỳ linh - đặng chung LDO | 30/03/2020 14:26
Bệnh viện Bạch Mai- bệnh viện hạng đặc biệt - đang trở thành điểm nóng COVID-19 trên cả nước với những ổ dịch hiện hữu. Bệnh viện hiện có 16 ca mắc COVID-19, trong đó có cả bệnh nhân, nhân viên cung cấp dịch vụ và cán bộ y tế. Do không rõ nguồn lây, chính cơ sở y tế hạng đặc biệt này trở thành nỗi lo lắng lớn trong phòng chống dịch. Đây là bài học lớn và phải có biện pháp cấp bách chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế, đồng thời phải bảo vệ ở mức độ cao nhất cho các các đơn vị y tế chống dịch COVID-19. 

Các cơ sở y tế bật báo động mức cao nhất

Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay thực hiện chỉ đạo Bộ Y tế, UBND Hà Nội tổ chức cách ly, khoanh vùng Bệnh viện Bạch Mai. “Trong tối 28.3, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 631 người nhà bệnh nhân lên khu cách ly tập trung tại FPT Hòa Lạc. Từ 10-26.3, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển 106 bệnh nhân sang 26 bệnh viện ở Hà Nội. Sở Y tế đang yêu cầu bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm. Hà Nội cũng có 1.592 bệnh nhân được Bệnh viện Bạch Mai cho xuất viện. Hiện 1.243 trường hợp đã được rà soát, trong đó 591 mẫu được lấy mẫu, đang chờ kết quả”. Lúc này, các bệnh viện tại Hà Nội cần phải đặt trong tình trạng “báo động đỏ”, để phòng tránh tốt nhất nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vào bệnh viện, lây nhiễm cho nhân viên y tế và người bệnh. 

Bác sĩ Đào Thiện Tiến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết:  Đối với cơ sở y tế ở Hà Nội như chúng tôi, đã kích hoạt báo động cao hơn một mức. Để bảo vệ nhân viên y tế, chúng tôi phân luồng chặt chẽ, kiểm tra nhiệt độ, khai báo y tế đối với người ra vào bệnh viện rất chặt, tăng cường công tác bảo hộ cho cán bộ nhân viên y tế. Qua vụ việc ở Bạch Mai, chúng tôi cũng nhận thấy đó là bài học cho cơ sở mình, dù dự báo dịch không thể nói trước được điều gì nhưng chúng tôi quyết liệt, làm hết sức mình. 

“Tất cả các trường hợp bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện Bạch Mai về đều được xếp vào một khu riêng để theo dõi, điều trị và làm xét nghiệm COVID-19. Chúng tôi cũng động viên tinh thần cho các y bác sĩ ngay từ đầu mùa dịch, lên kế hoạch bổ sung nhân lực, chia ca, chia kíp, đảm bảo nhân lực phục vụ người bệnh lâu dài. Dù trong tình huống nào, chúng tôi cũng sẵn sàng. Đã chuẩn bị tinh thần điều trị cho các ca dương tính, và thậm chí cách ly bệnh viện nếu cần” - bác sĩ Tiến nói. 

Tại một cơ sở y tế tuyến tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt chú ý đối tượng là nhân viên, cán bộ y tế. Toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động phải tham gia tập huấn trực tuyến về phòng chống bệnh COVID-19 do bệnh viện tuyến trung ương tổ chức. Đồng thời, Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh cho các cán bộ, nhân viên, người lao động và người bệnh tại Trung tâm. Khẩu trang, dung dịch sát trùng... phải sử dụng như vật “bất ly thân” đối với mọi người, đặc biệt là cán bộ nhân viên y tế. 

Còn theo GS. TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội), sau sự việc ở Bạch Mai, cần thiết nhất lúc này là các bệnh viện phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc với tất cả người ra - vào bệnh viện.

“Tại Bệnh viện E, ngay từ đầu mùa dịch, chúng tôi đã thực hiện yêu cầu bắt buộc người ra-vào bệnh viện đều phải qua cửa an ninh để kiểm tra thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế, dịch tễ. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ thực hiện chặt chẽ hơn, như giới hạn người ra vào viện chăm sóc bệnh nhân, hạn chế tối đa việc bệnh nhân nằm viện khi không cần thiết; hạn chế tối đa việc ra ngoài viện ăn uống; khoanh vùng các dịch vụ cung ứng vật tư, thực phẩm cho bệnh viện…” - GS Lê Ngọc Thành cho biết.

Ông cũng cho rằng, các bệnh viện phải tăng cường tuyên truyền cho toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế, kể cả người chăm sóc bệnh nhân, đến nhân viên vệ sinh trong bệnh viện về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, trong mùa dịch COVID-19, nhiều người ngại đi khám bệnh vì sợ đến chỗ đông người sẽ bị lây nhiễm. Một giải pháp cần được triển khai là thực hiện các dịch vụ khám - chữa bệnh, tư vấn trực tuyến, để tiến tới triển khai khám theo giờ, tránh quả tải, tập trung quá đông tại bệnh viện vào cùng một thời điểm.

Bài học cho các cơ sở y tế về phòng chống dịch

Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế lớn, mỗi ngày có từ 10.000-15.000 người qua lại, vì thế khi có nhiều nhân viên y tế, bệnh nhân tại đây nhiễm SARS-CoV-2, cơ quan chức năng đã xác định đây là một ổ dịch COVID-19 lớn và tập trung mọi nguồn lực để hạn chế lây lan. Cũng từ câu chuyện của Bạch Mai, đặt ra việc làm thế nào để đảm bảo an toàn tại các cơ sở y tế, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay?

Theo GS. TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, sự việc ở Bạch Mai rút ra cho chúng ta nhiều bài học trong công tác chống dịch COVID-19. Là người trong ngành, GS Trí cho rằng, dịch COVID-19 đã đánh vào khâu mà lâu nay chúng ta nghĩ là tốt nhất, an toàn nhất. Đầu tiên, cơ sở y tế là nơi chống dịch, nay trở thành ổ dịch, việc này rất đau lòng, gây tâm lý cho người dân.

Thứ hai, Bạch Mai là cơ sở y tế vào loại lớn nhất của cả nước, nên hậu quả nó để lại rất lớn. Mỗi ngày có hàng vạn người vào đây, thuộc đủ các đối tượng, từ thực hiện khám-chữa bệnh; người nhà đến chăm sóc; người phục vụ, rồi các hoạt động dịch vụ kèm theo trong bệnh viện. Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai có đội ngũ cán bộ y tế đông, mạnh, tinh nhuệ nhất trong ngành Y tế. 

Tăng cường khám bệnh trực tuyến để phòng dịch

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng: Dịch bệnh đặt ra những thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội thúc đẩy công tác khám chữa bệnh online. Dĩ nhiên, tại thời điểm này, chúng ta chưa thể mong đợi kết quả thật tốt. Bởi ngành y tế, bệnh nhân đều chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất để thực hiện việc này. Nhưng nếu sợ khó, sợ khổ mà không làm thì không bao giờ lớn lên được.

“Bộ Y tế cần tổ chức một đơn vị khám chữa bệnh trực tuyến bài bản và chuyên nghiệp, soạn các quy trình thực hiện thống nhất trên cả nước, hướng dẫn các bệnh viện cùng thực hiện. Chúng ta có thể thực hiện cho bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến. Hay thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm tại nhà, để người dân không phải xếp hàng, hạn chế đến bệnh viện. Nếu thực hiện tốt việc này cũng là cách hạn chế lây lan dịch bệnh, đặc biệt trong các cơ sở y tế”- GS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn