MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xử lý môi trường tại các khu vực bị ngập sau lũ ở Tuyên Quang. Ảnh: P.Q

Cấp bách xử lý môi trường sau mưa lũ

Phong Quang LDO | 30/05/2022 07:36

Mưa lớn kéo dài những ngày qua tại các tỉnh phía Bắc đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh việc hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống thì việc xử lý môi trường tại các khu vực bị ngập sau lũ đang là vấn đề cấp bách.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn kèm lũ, sạt lở đất những ngày qua đã khiến 2 người thiệt mạng. Cùng với đó hơn 100 nhà ở, công trình của người dân bị ảnh hưởng, hơn 3.600ha lúa và hoa màu bị ngập.  

Hàng trăm con gia súc, gia cầm của người dân bị chết do ngập úng, lũ lụt tràn về đã đặt ra những vấn đề cấp bách về môi trường. Nếu không được xử lý kịp thời, dịch bệnh có thể xuất hiện.

Xã Tân An (Chiêm Hoá, Tuyên Quang) là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ. Trong đó có hàng chục giếng đào của người dân cùng 1 công trình cấp nước sạch bị hỏng, nhiều đoạn ống dẫn nước bị gãy, bị cuốn trôi... Sau lũ, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân là rất lớn.

Ông Ma Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân An - cho biết, xã đã giao nhân viên y tế thôn, bản trực tiếp xuống địa bàn cấp phát CloraminB để vệ sinh nhà cửa và khử trùng nguồn nước cho tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo ông Dũng, trải qua một số lần lũ lụt, người dân đã có ý thức và chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên chính quyền vẫn khuyến cáo người dân không chủ quan, thực hiện ngay các công việc dọn dẹp và khử trùng nhà cửa sau khi lũ rút.

Ông La Đăng Tái - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang - cho biết, để đảm bảo môi trường sau lũ, kiểm soát dịch bệnh, đơn vị chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp với các lực lượng chức năng cung ứng đủ hoá chất, khử khuẩn và đảm bảo đủ nước sạch đối với dân cư những khu vực bị thiên tai.

Các đơn vị y tế chủ động trang thiết bị, vật tư y tế với phương châm “4 tại chỗ” để triển khai nhanh chóng các biện pháp phòng dịch như phun khử khuẩn, xử lý vệ sinh các nguồn nước giếng khơi, giếng đào và sử dụng hoá chất an toàn.

Còn tại Thái Nguyên, mưa diện rộng và kéo dài đã gây ngập úng tại nhiều khu dân cư, trong đó có cả các khu vực nội đô, mật độ dân cư cao, thoát nước chậm, tạo nguy cơ ô nhiễm môi trường và xuất hiện dịch bệnh.

Trạm y tế cấp phường xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được chỉ đạo thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Những trường hợp sinh sống tại vùng ngập sau lũ khi xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh như đau bụng, đi ngoài, sốt... được yêu cầu đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị. Ngoài ra một số loại thuốc cơ bản phòng dịch bệnh sau lũ cũng được phân phát tới từng khu vực nhất định.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường - khi lũ đã rút thì vấn đề đáng lo ngại nhất là ô nhiễm môi trường. Vì thế, các địa phương cần hành động nhanh, khẩn trương để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trên thực tế, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã ban hành cuốn “Sổ tay Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt” nhằm giúp người dân có kiến thức về xử lý nước và vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh có liên quan để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống xung quanh. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực vì nhiều nguyên nhân mà người dân chưa thực sự quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường sau lũ khiến các loại dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tới sức khoẻ và cuộc sống cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn