MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tuyến đường cao tốc được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Thành Vũ

Cấp slot máy bay cần dựa trên cơ chế có đi có lại

Hiếu Anh LDO | 10/07/2023 22:24

"Hãng hàng không Việt Nam khó khăn xin slot đường bay quốc tế, chúng ta cũng phải có quan điểm có đi có lại trong đàm phán" - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Thắt chặt slot hàng không

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Hãng hàng không Vietnam Airlines - đề nghị quản lý slot (giờ cất, hạ cánh) chặt chẽ hơn, thu hồi slot các hãng không khai thác.

Với slot chuyến bay quốc tế quản lý theo nguyên tắc có đi có lại với các quốc gia, không mở quá. "Vừa rồi tôi sang Trung Quốc xin slot nhưng không được cái nào" - ông Hòa dẫn chứng.

Liên quan đến ý kiến ông Hòa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý vận tải, thắt chặt slot hàng không, an toàn hàng không.

"Hãng hàng không Việt Nam khó khăn xin slot đường bay quốc tế, chúng ta cũng phải có quan điểm có đi có lại trong đàm phán. Vừa rồi tôi sang làm việc với bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, họ đề nghị các slot trước đây mà các sân bay của ta cấp cho hãng Trung Quốc phải cấp lại cho họ. Tôi đề nghị các slot đã cấp cho các hãng Việt Nam cũng được giữ lại. Họ vui vẻ, đồng tình" - ông Thắng cho biết. Và ông Thắng đề nghị Vietnam Airlines phối hợp các đơn vị liên quan để trao đổi lại với phía Trung Quốc cấp lại slot như thỏa thuận của hai bộ trưởng, nếu cần thiết thì bộ sẽ đàm phán.

Tập trung khởi công 16 dự án

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - cho biết: Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Tiêu biểu như, hoàn thiện, trình Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật.

Ví dụ như dự án Luật Đường bộ, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6, tháng 10.2023, thông qua tại kỳ họp thứ 7, tháng 5.2024. Tổ chức tổng kết, xây dựng các bộ luật chuyên ngành, trước hết là Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật Đường sắt Việt Nam.

Tổ chức lập, điều chỉnh các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Tập trung hoàn thiện các đề án, nhất là đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không và đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam...

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai các dự án đường vành đai đô thị, các dự án cao tốc trục Đông - Tây. Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục đạt được mục tiêu đề ra.

Đến nay, 5/5 quy hoạch ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải tăng đều ở các lĩnh vực. Tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 03 tiêu chí. Ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm cơ bản được tháo gỡ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

6 tháng cuối năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, bộ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia và trọng điểm của ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Trong đó, tập trung khởi công 16 dự án, hoàn thành, đưa vào khai thác 19 dự án, nhất là các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm nguồn vật liệu trong quá trình triển khai các dự án.

Tiếp thu, hoàn thiện Kế hoạch tổ chức xử lý Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt qua thanh tra, kiểm tra chú trọng việc rà soát, phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cấp có thẩm quyền kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn