MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng vạn du khách đi lễ chùa Hương ngày 14.2. Ảnh: Phương Thảo

Cáp treo chùa Hương sẽ tạm dừng nếu xảy ra tình trạng quá tải khách ở động

NHÓM PV LDO | 14/02/2024 22:29

Dù chưa vào chính hội nhưng hàng vạn du khách đã đến trẩy hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).

Hôm nay (14.2, tức mùng 5 Âm lịch), 1 ngày trước khi vào chính hội chùa Hương, hàng vạn người đã đổ về nơi đây để chiêm bái.

Theo ghi nhận, không có tình trạng chen lấn, xô đẩy ở các địa điểm di tích, thắng cảnh. Công tác đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện của lễ hội năm nay được ban tổ chức, các lực lượng chức năng thắt chặt. Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng được nâng cao.

Dòng thuyền, đò trên suối Yến nhộn nhịp chở khách đi lễ chùa Hương. Ảnh: Hải Nguyễn

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết: "Số lượng người đến trẩy hội chùa Hương vào mùng 5 Âm lịch là hơn 4 vạn người. Ngày mai khai hội, số lượng có thể giảm, dự kiến rơi vào khoảng 3-4 vạn người. Bởi lẽ, mai là ngày công nhân, viên chức, người lao động đi làm trở lại. Họ đã tranh thủ đi trẩy hội vào những ngày trước đó.

Mức du khách cao nhất năm nay tính đến hiện tại là hơn 5 vạn người, đông hơn so với cùng kì những năm trước. Từ sau mùng 6 Âm lịch, lượng khách sẽ ổn định từ thứ Hai đến thứ Sáu. Người dân sẽ tập trung đi nhiều vào thứ Bảy và Chủ nhật. Chúng tôi hi vọng, những ngày cuối tuần có thể đón từ 5-6 vạn khách".

Theo ghi nhận, ở bến thuyền và trên dòng suối Yến, hàng nghìn chiếc thuyền tấp nập đưa du khách đi và về. Trong khi đó, những con đường vào chùa Thiên Trù, lên động Hương Tích luôn trong tình trạng đông kín, dòng người lên, xuống không ngừng.

Ở khu vực cáp treo, người xếp hàng ken đặc lối vào. Nhiều người chờ lâu, mệt mỏi vì đông đúc nên đã bỏ dở hành trình, hoặc phải bán lại vé cáp treo.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Bá Hiển cho biết: "Chúng tôi đã có kế hoạch ngay từ ban đầu để phân luồng từ xa. Nếu số người vào động quá đông, cáp treo sẽ tạm dừng ngay từ đầu ngoài để không đưa khách vào.

Cáp treo không vận chuyển vội vàng mà phải đảm bảo an toàn. Động nhỏ, nếu cả đường bộ tiến lên, cáp treo đưa vào sẽ gây ách tắc cục bộ, từ đó có thể dẫn đến chen lấn, xô đẩy".

Dòng người chen chúc ở động Hương Tích. Ảnh: Phương Thảo

Năm nay là lần đầu tiên ban tổ chức lễ hội chùa Hương triển khai mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch chở khách bằng thuyền, đò theo thời gian quy định (5h-20h vào các ngày trong tuần, 4h-20h hai ngày cuối tuần).

Những người lái đò trong hợp tác xã có trang phục nhận diện và thẻ, được tập huấn để có ứng xử văn minh với du khách về chiêm bái và du lịch chùa Hương.

Bên cạnh đó, ban tổ chức đã sử dụng vé điện tử và xe điện để giúp du khách thuận tiện cho việc đi lại, tham quan và lễ bái. Các trạm soát vé có người hướng dẫn, kiểm soát việc khách sử dụng vé điện tử để xử lí các trường hợp phát sinh.

Sáng mai, mùng 6 Tết Giáp Thìn (15.2), chùa Hương sẽ chính thức khai hội. Đây là lễ hội kéo dài nhất cả nước (đến hết tháng 3 Âm lịch), thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn