MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một công trình vi phạm xây dựng tại hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Cao Nguyên

Cắt điện nước với công trình vi phạm, quy định có - khó áp dụng

Cao Nguyên LDO | 19/10/2023 06:31

Áp dụng biện pháp cắt điện nước được cho là cách hữu hiệu ngăn chặn các công trình vi phạm quy định về xây dựng. Tuy nhiên, thực tế các địa phương dù có muốn cũng rất khó áp dụng biện pháp này.

Không phải muốn cắt là cắt

Chia sẻ với PV Báo Lao Động về việc xử lý các công trình vi phạm xây dựng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - cho rằng, một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho lực lượng chức năng là do quy định hiện hành không cho phép cắt điện, nước khi chưa có quyết định cưỡng chế công trình vi phạm.

“Chúng tôi đã xử lý một số công trình vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất rừng. Trong đó có công trình 3 lần chúng tôi đưa phương tiện, máy móc đến chuẩn bị cưỡng chế nhưng không thực hiện được do họ đã khởi kiện và được tòa thụ lý. Sau đó công trình này được hoàn thiện nhưng chúng tôi không thể cắt điện, nước được” - ông Ngọc nói.

Trong khi đó, đại diện UBND xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay trên địa bàn có thêm 6 trường hợp mới vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp, vi phạm trong lĩnh vực đất đai ven hồ Đồng Đò. UBND xã Minh Trí đã liên tục ra hai thông báo yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan đến việc san gạt đất lấn chiếm mặt nước trái phép tại khu vực hồ Đồng Đò tới trụ sở để làm việc nhưng vẫn không thể xử dứt điểm và đang kéo dài đến nay.

Cần xem xét thận trọng quy định về cắt điện nước

Thực tế phản ánh tới Báo Lao Động, nhiều người dân trên đường Hoàng Tăng Bí (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, tình trạng xây dựng lấn chiếm trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi đã xuất hiện từ lâu gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều nhà xưởng, công trình… từng bước được xây dựng kiên cố từ năm 2014 và giữ nguyên như hiện trạng cho đến nay.

Thậm chí gần đây, xuất hiện những công trình mới được “nhảy dù” nhưng UBND phường Đông Ngạc vẫn “chần chừ” trong việc xử lý vi phạm. Thậm chí, phường đã phát hiện công trình vi phạm trên từ lâu và đã 3 lần dán thông báo tìm chủ đầu tư vi phạm và 1 lần thông báo để cưỡng chế nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.

Với thế khó của chính quyền địa phương hiện nay, những quy định mới liên quan đến việc cắt điện nước công trình vi phạm quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang thu hút nhiều chú ý. Bởi trong trường hợp được thông qua, chính quyền các cấp TP Hà Nội được áp dụng biện pháp ngăn chặn và yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy nếu trước đó đã bị lập biên bản hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên nội dung này đang gây nhiều tranh cãi và cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Cụ thể Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân tích, quy định xử phạt vi phạm hành chính không có hình thức yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. "Nếu quy định trong Luật Thủ đô như vậy, các biện pháp này không có cơ chế pháp lý cụ thể, không phù hợp Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012" - Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu.

Do đó dù việc cắt điện, nước đối với công trình vi phạm sẽ tạo ra áp lực pháp lý để xử lý các vụ vi phạm quy định xây dựng nhưng cũng cần tính toán kỹ bởi việc cắt điện, nước ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hằng ngày của người dân sống tại công trình vi phạm.

Theo tìm hiểu của Lao Động, do nhận thấy "vấn đề quan trọng liên quan nhiều quan hệ trong xã hội", Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) mới đây đã đề nghị cơ quan soạn thảo lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp liên quan đến nội dung này gồm: Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng điện nước và người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn