MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những kỹ sư vận hành các cây cầu của Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Linh

Câu chuyện của những kỹ sư vận hành các cây cầu đặc biệt Đà Nẵng

Nguyễn Linh LDO | 08/02/2024 13:55

Để vận hành trơn tru các cây cầu của Đà Nẵng, những kỹ sư của Xí nghiệp Cầu Đà Nẵng (Công ty cổ phần Cầu đường Đà Nẵng) phải làm việc xuyên suốt các ngày lễ, Tết hay mưa bão.

Những kỹ sư vận hành cầu Rồng

Mỗi cây cầu bắc qua sông Hàn đều có ý nghĩa và nét độc đáo riêng, trong đó cầu Rồng là điểm nhấn đặc sắc của thành phố Đà Nẵng. Cầu Rồng với kiến trúc mô phỏng hình tượng rồng thời nhà Lý đang uốn lượn, chuẩn bị vươn mình bay ra biển lớn.

Cầu Rồng được khởi công xây dựng vào ngày 19.7.2009, chính thức thông xe ngày 29.3.2013 với tổng kinh phí xây dựng gần 1.500 tỉ đồng.

Vào mỗi thứ 6, Xí nghiệp Cầu Đà Nẵng sẽ thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng trước khi phun lửa, phun nước phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng của du khách.

Anh Nguyễn Như Anh Tuấn, kỹ sư tại Công ty cổ phần Cầu đường Đà Nẵng cho biết, vào chiều thứ sáu hằng tuần, đội kỹ sư sẽ vào đầu rồng để duy tu, bảo dưỡng. Quy trình kiểm tra gồm, hệ thống van khí, hệ thống bơm dầu, bơm nước, hệ thống dây dẫn điện, sau đó là hệ thống máy nén khí, máy bơm nước, máy phát điện, bể chứa nước, hệ thống PCCC…

“Hằng tuần, du khách tập trung 2 bên cầu chờ xem rồng phun lửa, phun nước, chúng tôi như được tiếp thêm động lực vì được phục vụ mọi người”, anh Nguyễn Như Anh Tuấn chia sẻ.

Các kỹ sư phải kiểm tra, phun thử trước mỗi đêm cầu Rồng phun nước, phun lửa phục vụ du khách. Ảnh: Nguyễn Linh

Theo anh Nguyễn Toàn, kỹ sư tại Công ty cổ phần Cầu đường Đà Nẵng, để có màn trình diễn phun nước, phun lửa hoàn hảo, các kỹ sư sau khi kiểm tra phải cho chạy thử hệ thống phun trước, đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru.

Sau khi kiểm tra kỹ từ các chi tiết máy móc, thiết bị vận hành ổn định, nhóm kỹ thuật lần lượt rời khỏi đầu rồng, sau đó hệ thống phun lửa được đẩy ra khỏi miệng rồng để tiến hành phun thử.

Nữ kỹ sư bắt mạch các cây cầu

Nữ kỹ sư Nguyễn Kiều Hạnh - cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp Cầu Đà Nẵng cùng 5 cán bộ khác là những người nhận nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hàng tháng đối với những cây cầu đặc biệt của Đà Nẵng.

Đối với chị Nguyễn Kiều Hạnh, kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là những lần kiểm tra định kỳ ở cầu Thuận Phước.

Chiều cao của cầu Thuận Phước từ mực nước sông lên đến đỉnh tháp là hơn 80m, còn từ mặt đường lên đến đỉnh tháp là 47m. Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, thế nên mùa nào cũng là nơi đón gió mạnh.

Kỹ sư Nguyễn Kiều Hạnh kiểm tra định kỳ tại cầu Thuận Phước. Ảnh: Nguyễn Linh

“Mới đầu được phân công leo lên đỉnh tháp kiểm tra, mình cũng sợ lắm, sợ có đủ sức bám chặt dây trước những cơn gió giật, sợ ngợp độ cao từ đỉnh tháp. Nhưng mình cứ nghĩ “không sợ, không sợ” rồi lại đi tiếp”, chị Nguyễn Kiều Hạnh kể.

Để lên đến đỉnh tháp cầu Thuận Phước, thành viên đội sẽ phải leo cao với quãng đường 1.856m, trong đó phần cầu treo dây võng dài 655m và phần cầu dẫn phía hai đầu Thuận Phước và Sơn Trà mỗi bên dài 600 m.

Các kỹ sư hoá thành “người nhện” khi kiểm tra cầu Thuận Phước. Ảnh: Nguyễn Linh

Dù chỉ là đi kiểm tra nhưng đó không phải là việc dễ dàng, cả đội phải đối mặt với những rủi ro, tình huống nguy hiểm khó lường.

Sau này, chị Nguyễn Kiều Hạnh lại tiếp tục được điều chuyển đến đội vận hành cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý.

TP Đà Nẵng hiện có 53 cây cầu, trong đó 6 cầu có kết cấu đặc biệt gồm, cầu Rồng, Thuận Phước, Sông Hàn, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Phò Nam và 47 cầu bê tông khác.

“Ngoài là huyết mạch giao thông của thành phố thì cầu Rồng, cầu Sông Hàn được thiết kế để phục vụ thêm cho phát triển kinh tế du lịch về đêm. Để phục vụ du lịch trong những dịp lễ, Tết, đơn vị phân công người trực thường xuyên, đồng thời liên tục duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo việc vận hành được thông suốt”, ông Tống Ngọc Quang - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý cầu Đà Nẵng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn