MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Câu chuyện phía sau bài báo đoạt giải Báo chí quốc gia

Đặng Chung LDO | 14/08/2019 11:00

Tháng 8 năm 2018, giữa những thông tin dày đặc trên các phương tiện truyền thông phản ánh vụ việc gian lận thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, chúng tôi tiếp cận thông tin theo một hướng khác. Cùng đi tìm sự thật phía sau các vụ gian lận, nhưng chúng tôi kể câu chuyện về những nhà giáo ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, những học sinh “học thật thi thật” ở ngay tại nơi đang “sục sôi” vì gian lận.

Thêm một đêm không ngủ

Đó là vào một ngày tháng 8.2018, sau thời gian rong ruổi ở Hà Giang, Sơn La, chúng tôi quay về Hòa Bình. Câu chuyện hàng loạt cán bộ ngành giáo dục của địa phương này bị bắt tạm giam vì gian lận thi cử vẫn khiến người dân nơi đây xôn xao, bàn tán.

Nhưng xen giữa câu chuyện đó, chúng tôi được nghe kể về những người thầy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Tân Dân (huyện Mai Châu, Hòa Bình), hằng ngày đánh cá trên sông Đà để cải thiện bữa ăn cho học trò. Rất nhanh chóng, tôi và phóng viên Anh Phú đã tìm cách liên hệ với nhân vật và chuẩn bị cho chuyến đi của mình.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là cung đường vào Trường Tân Dân. Muốn đến đây chỉ có thể đi theo con đường độc đạo ngoằn ngoèo - một bên là núi, một bên là vực hoặc thuê thuyền mất 8 tiếng mới vào được trường. Đêm đầu tiên ở lại trường Tân Dân, tôi ở cùng phòng với một nữ giáo viên còn rất trẻ của trường. Cô kể về nghề, về việc đã khóc sưng mắt mấy ngày khi cầm quyết định phân công đến điểm trường xa nhất của huyện Mai Châu giảng dạy. Rồi thấm thoắt 2 năm trôi qua, gắn bó với những đứa trẻ vùng cao hiếu học, với những đồng nghiệp tốt bụng, Trường Tân Dân đã “thành nơi đất ở” - là “quê hương thứ hai” từ bao giờ không biết.

Cô kể về nghề bằng sự say mê, nhưng tôi hiểu cô đang giấu đi nỗi nhớ nhà, nhớ đứa con thơ vừa cai sữa mẹ để vào trường tiếp tục công việc. Suốt đêm hôm đó, tôi không ngủ được vì thương cô.

Những ngày sau đó, tận mắt chứng kiến những tình cảm của giáo viên nơi đây dành cho học trò của mình, tôi thực sự xúc động. Thầy cô luôn coi học trò như con ruột thịt và tận tâm chăm sóc. Xót trò nghèo, bữa ăn chỉ có cơm trắng, cá khô, đêm đêm khi xếp lại trang giáo án, các thầy lặng lẽ đi đánh cá, cải thiện bữa ăn cho học trò. Công việc này đã được các thế hệ thầy cô Trường Tân Dân duy trì 7 năm nay, mà người tiên phong, người truyền lửa cho các thầy cô khác làm công việc này - chính là thầy Hà Mạnh Quyết - Hiệu trưởng nhà trường. Chúng tôi đã ghi lại chân thực câu chuyện nơi đây.

Bài viết và phóng sự video với tiêu đề “Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò” được đăng tải trên Báo Lao Động đúng vào ngày 5.9.2018, khi học sinh và giáo viên cả nước hân hoan bước vào năm học mới đã truyền đi thứ cảm xúc tích cực. 

“Cảm ơn!”

Tôi muốn nói điều này với những nhân vật của mình - người thầy, người cô, các em học sinh -những người đã mang lại cho tôi cảm xúc và động lực trên hành trình đi tìm sự thật. Họ là những nhân vật xuất hiện trong tuyến đề tài “phía sau gian lận thi cử” chúng tôi thực hiện ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, song hành với những bài viết phê phán các đối tượng sửa bài, nâng điểm thi.

Bất ngờ là, những bài viết, video này nhận được hiệu ứng rất lớn trên truyền thông, mạng xã hội. Đó là cậu học sinh dân tộc Tày ở Sơn La, nỗ lực học tập để nuôi ước mơ làm luật sư, để sau này có thể tìm lại công bằng cho những người yếu thế trong xã hội. Là những người thầy ngày lên bục giảng tối đi đánh cá nuôi học trò ở Mai Châu, Hòa Bình; hay những nhà giáo kiên trì cắm bản, cõng sách lên vùng biên để “gieo chữ” cho học trò ở Hà Giang.

Với bất kỳ người làm báo nào, khi tác phẩm - “đứa con tinh thần” của mình - được độc giả dành nhiều tình cảm là điều vô cùng hạnh phúc. Đặc biệt nhất, tác phẩm “Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò” trong loạt bài này vinh dự được trao Giải B - Giải báo chí quốc gia năm 2018 và giải A - Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”. Đó không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực mà còn là lời nhắc nhở tôi cần cố gắng hơn nữa để tiếp nối truyền thống ở một tờ báo có bề dày thành tích như Báo Lao Động, tiếp tục đưa đến độc giả những câu chuyện đẹp về tình người.

Ngay đêm trao giải, tôi nhận cuộc gọi chúc mừng của những nhà giáo tâm huyết, hay những tin nhắn của học sinh Trường Tân Dân. Các em khoe nhìn hình ảnh trường mình, thầy cô của mình vừa xuất hiện trên tivi, trong buổi vinh danh các tác phẩm báo chí xuất sắc. Lúc ấy, nước mắt chực trào. Vì vui, vì hạnh phúc, vì ước mong của mình đã trở thành sự thật, khi những tấm gương nhà giáo đã được cả nước biết tới, góp phần động viên và tri ân thầy cô. Cuộc đời làm báo có những nhọc nhằn, nhưng cũng có những vinh quang và niềm vui như thế.

Phóng sự “Những người thầy ngày lên bục giảng, tối đi đánh cá nuôi học trò” của nhóm tác giả Đặng Chung, Duy Hưng, Văn Phú đã xuất sắc đạt giải A viết về ngành giáo dục năm 2018 và giải B Giải Báo chí Quốc gia 2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn