MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trước chuyến bay cuối của cuộc đời, thượng úy Lê Đức Lam không kịp chuẩn bị gì. Anh chỉ có 1,6 triệu đồng, nuôi trong lợn đất dành cho con trai sắp chào đời. Ảnh: Theo VNE

Câu chuyện rớt nước mắt về nuôi lợn tiết kiệm của liệt sĩ CASA-212

HUYÊN NGUYỄN LDO | 06/02/2019 14:00

Tết này, mẹ con chị Đỗ Thuý Nga – vợ liệt sĩ Lê Đức Lam tiếp tục đón một năm mới không có chồng, có cha ở bên cạnh. Thế nhưng, hình ảnh và những câu chuyện ý nghĩa của thượng uý Lam để lại là nguồn động viên tinh thần lớn lao để chị Nga tiếp tục nuôi dạy bé Lê Đức Dũng lớn khôn.

“Cậu bé đến từ bầu trời”

Đó là nickname cộng đồng mạng dành tặng cho cậu bé Lê Đức Dũng. Bé là con trai thượng úy Lê Đức Lam, 1 trong 9 phi công hy sinh trên máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8983. Máy bay rơi tại vùng biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khi đang tìm kiếm tung tích phi công Su-30MK2 vào tháng 6.2016. Dũng chào đời ngày 12.9.2016, ba tháng sau ngày cha hy sinh.

Đã ba năm trôi qua kể từ ngày liệt sĩ Lê Đức Lam hy sinh nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên đó đối với người thân của liệt sĩ đặc biệt là vợ anh, chị Đỗ Thuý Nga. Niềm hạnh phúc, an ủi, nguồn sống lớn lao nhất với chị giờ đây là giọt máu của anh – cháu Lê Đức Dũng, giúp chị vững vàng vượt qua khó khăn.

Chị Đỗ Thuý Nga thay chồng vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi dạy con trai khôn lớn, khoẻ mạnh. Ảnh: NV

Chị Nga kể, năm nay hai mẹ con ăn Tết ở Hà Nội cùng ông bà ngoại. Cháu Dũng giờ đã bước sang tuổi thứ 3, khoẻ mạnh và rất nghe lời ông bà, mẹ. Cháu dù chưa biết nhiều chuyện nhưng mỗi lần nhắc tới bố, đều hướng về phía bàn thờ nơi đặt di ảnh của thượng uý Lê Đức Lam và cúi lạy.

“Cậu bé đến từ bầu trời” Lê Đức Dũng.

Cuộc sống của hai mẹ con tuy có vất vả nhưng luôn được hai bên gia đình, cơ quan quan tâm. Chị Nga được nhận vào làm việc tại Viện Kỹ thuật Phòng không không quân thuộc Quân chủng cũ của chồng. Chị cũng chuyển tới căn nhà trên đường Lê Trọng Tấn gần nơi làm việc để tiện đi lại, chăm sóc cho con.

 Chị Nga kì vọng con lớn lên sẽ có cả đức, cả dũng. Ảnh: NV

“Tôi đặt tên cho con là Lê Đức Dũng với hy vọng lớn lên con sẽ có cả đức và dũng như những gì bố cháu để lại. Nhìn vào mắt con, tôi như thấy hình ảnh của chồng. Tôi và con trai sẽ can đảm bước tiếp. Tin rằng, anh vẫn song hành với mẹ con tôi", chị Đỗ Thuý Nga nói.

Tiếp tục ước mơ nuôi lợn tiết kiệm của chồng

Những ngày sát Tết Kỷ Hợi 2019 cũng là khi chị Nga nhớ chồng vô cùng. Trước khi ra đi, anh để lại cho chị và con một con heo tiết kiệm bằng đồng lương ít ỏi của mình.

Liệt sĩ Lê Đức Lam bắt đầu bỏ lợn tiết kiệm từ ngày biết vợ mang thai. Trong ấn tượng của đại tá Ngô Quang Trung – người dẫn đường trên không An-26 Phi đội 1, hình ảnh thượng uý Lê Đức Lam hiện lên là một anh lính lòng khòng, 21h đêm vẫn cởi trần hì hục lau chùi hành lang phi đội.

Khi được hỏi anh lính trẻ chia sẻ chẳng có việc gì làm nên lau hành lang cho đỡ buồn. Sau này thân quen hơn, ông mới biết vì đồng lương chẳng dư dả gì nên cậu ấy rất ngại đi chơi.

Quê quán tại Vân Hội, Ninh Giang, Hải Dương nhưng thượng uý Lam lại được sinh và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Chư Sê, Gia Lai. Tuổi thơ của liệt sĩ Lam gắn liền với những nỗi nhọc nhằn, vất vả đã tạo nên một người lính quân đội nhân dân chăm chỉ học tập, yêu lao động, sống hòa nhã và có trách nhiệm với tất cả mọi người.

Một bức ảnh kỷ niệm của vợ chồng thượng uý Lê Đức Lam. Ảnh tư liệu.


Theo lời của ông Ngô Quang Trung: “Lam hiền lành. Lam nghèo, hay tự ti nên mãi chẳng dám yêu ai. Tôi còn nhớ mãi đến năm 2014, trên đường thực hiện nhiệm vụ trở về căn cứ, Lam rút điện thoại ra khoe với đồng chí Chính, Chính trị viên phi đội, hình vợ sắp cưới. Tôi mới hỏi: “Sao cưới vợ đến nơi rồi mới khoe anh em?”.

Lúc đó, anh Lam mới thật thà chia sẻ: “Người yêu cháu vừa xinh, vừa có 2 bằng đại học. Cháu vừa xấu lại nghèo, cháu sợ người ta chê, người ta không ưng mình nên mãi chẳng dám khoe ai”. Cô gái ấy chính là Thúy Nga người cũng là vợ hiện tại của thượng úy Lam bây giờ.

Nhớ về con lợn tiết kiệm, ông Trung kể, hai vợ chồng trẻ nên cuộc sống thiếu trước hụt sau nhưng luôn vui vẻ và hạnh phúc. Những ngày trước chuyến bay định mệnh, vợ Lam mang thai tháng thứ 6 con đầu lòng, hai vợ chồng đang ríu rít chuẩn bị cho ngày lâm bồn. “Ngày vợ Lam mang bầu, thằng bé hồ hởi khoe với tôi: Vợ cháu có bầu rồi chú ạ. Từ hôm nay cháu sẽ bỏ lợn để có tiền cho vợ cháu sinh em bé”.

Con trai thượng úy Lê Đức Lam được mẹ đưa về Lữ đoàn không quân 918 thăm đồng đội của cha hơn một năm sau ngày cha mất. Theo VNE

Cái việc bỏ lợn của Lam làm ông Trung như muốn rơi nước mắt: "Trước hôm Lam lên đường nhận nhận nhiệm vụ, gặp Lam, tôi hỏi tiết kiệm được bao nhiêu tiền rồi. Nó hồn nhiên khoe “chắc được khoảng một triệu sáu rồi chú ạ”.

Tôi cười trêu: “Ôi trời, bỏ 6 tháng mới được một triệu sáu thôi à?”. Nói là vậy chứ tôi biết đây chỉ là những đồng tiền lẻ Lam gom góp hàng ngày. Nghĩ đến mà tôi thương Lam đến quặn lòng" – ông Trung kể lại ngay sau ngày thông tin về phi hành đoàn mất tích.

Đại diện Quỹ Tấm Lòng Vàng, Báo Lao Động trong một lần tới thăm gia đình liệt sĩ Lê Đức Lam. Ảnh: Huyên Nguyễn
Con lợn tiết kiệm được liệt sĩ Lê Đức Lam và vợ nuôi để dành tặng con trai. Ảnh: Huyên Nguyễn

Vẫn giữ con lợn nhựa màu xanh có số tiền ít ỏi chồng để dành, giờ đây chị Nga cũng nuôi thêm một con lợn đất cho con. Chị Nga hy vọng, sau này lớn lên con sẽ hiểu được sự vất vả và kì vọng của cha mẹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn